Sản phụ nhập viện khi đang ở tuần thai 32 trong tình trạng cổ tử cung ngắn, thai chậm tăng tưởng trong tử cung.
Trước đó, sản phụ H.K khám thai tại một phòng khám tư tại Biên Hòa và được kết quả siêu âm thai đôi. Tuy nhiên trong một lần đau bụng phải nhập viện tại 1 bệnh viện ở Đồng Nai, kết quả siêu âm cho thấy chị mang thai ba; bác sĩ tại đây tư vấn chị bỏ bớt một để đảm bảo an toàn cho thai nhi và khuyên chị chuyển lên bệnh viện tuyến trên tại TPHCM thăm khám.
"Trường hợp tam thai tự nhiên là trường hợp rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/100.000 ca. Các trường hợp đa thai thường gặp phải nhiều nguy cơ tiềm ẩn như dọa sinh non, xảy ra các bất thường nhau thai, thai chậm tăng trưởng, tiền sản giật, đe dọa sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và bé. Với các trường hợp thai kỳ nguy cơ cao như sản phụ H.K thì việc phối hợp giữa ê kíp sản và nhi (đặc biệt là khoa Hồi sức sơ sinh-NICU) rất quan trọng", bác sĩ Lê Văn Đức |
Ngày 31-7, ê kíp mổ do bác sĩ Lê Văn Đức, Trưởng khoa Sản - Phụ khoa, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc cùng 3 bác sĩ nhi, 3 nữ hộ sinh hỗ trợ đã tiến hành mổ bắt bé thành công.
3 bé lần lượt có cân nặng 1.540g (bé gái), 1.660g (bé trai) và 1.530g (bé trai). Cả 3 bé được hỗ trợ cấp cứu tại phòng mổ, sau đó chuyển về khoa Hồi sức sơ sinh. Hiện 3 bé sức khỏe ổn định, ăn được qua đường tiêu hóa và tăng cân đều, nặng lần lượt 1.600g, 1.720g, 1.640g.
Theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội đồng kiêm Trưởng khoa Nhi Sơ sinh và Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Hạnh Phúc, tại phòng mổ, 3 bé sau khi chào đời ngay lập tức được hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục (CPAP), được ổn định thân nhiệt bằng túi giữ nhiệt và theo dõi SPO2 liên tục.
Ngay tại phòng mổ, ê kíp gồm 3 bác sĩ nhi được phân công túc trực liên tục, mỗi bác sĩ theo dõi và chăm sóc cho 1 bé. Sau khi ổn định, 3 bé được chuyển về khoa Hồi sức sơ sinh (NICU), cách phòng mổ chỉ vài bước di chuyển.