Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân được đo điện tâm đồ, thở ô xy, tiêm thuốc giảm đau ngực, dùng thuốc chống đông máu… Đồng thời, các bác sĩ giải thích cho gia đình để can thiệp động mạch vành cấp cứu cho người bệnh. Tuy nhiên, khoảng 10 phút sau khi nhập viện, người bệnh rơi vào cơn rung thất, co giật, ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức, ê kíp cấp cứu của bệnh viện đã sốc điện phá rung và phục hồi được nhịp tim cho người bệnh.
Bệnh nhân được đưa vào phòng thông tim để can thiệp động mạch vành khẩn cấp với 1 stent phủ thuốc trên nhánh liên thất trước. Sau can thiệp, người bệnh hết đau ngực, hết khó thở và được chuyển về phòng săn sóc đặc biệt tim mạch để theo dõi và điều trị tiếp tục.
Theo bác sĩ Trần Nguyễn An Huy, Khoa Tim mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, khi gặp các triệu chứng như đau tức ngực trái hoặc sau xương ức dữ dội, liên tục không giảm (dấu hiệu của nhồi máu cơ tim) thì không nên chủ quan, cần đến ngay khoa cấp cứu của các bệnh viện.
Nếu người bệnh được can thiệp và điều trị trong thời gian vàng (trong vòng 12 giờ từ khi đau ngực) thì sẽ giảm nguy cơ đột tử, giảm được biến chứng nặng nề của nhồi máu cơ tim. Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý với nhiều rau xanh, hạn chế mỡ, da, nội tạng động vật, thức ăn nhanh… Đồng thời tăng cường thói quen vận động, tích cực tập luyện thể dục, thể thao, hạn chế sử dụng bia, rượu, thuốc lá, giảm các stress tâm lý.
* Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn vừa cứu sống bệnh nhân N.H.N. (41 tuổi, ngụ quận 7) bị đâm thủng tim. Trước đó, do xô xát với đôi nam nữ đi trên đường, N. đã bị đối phương đâm vật nhọn vào tim khiến tâm thất trái bị tổn thương và có hiện tượng tràn máu màng tim đe dọa chèn ép tim, rối loạn nhịp, nguy hiểm đến tính mạng.
Dù bị thương và mất nhiều máu, anh N. vẫn tự chạy xe máy đến bệnh viện. Khi chạy ngang phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) thì ngất xỉu và được người dân gọi cấp cứu. Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM đã điều động xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn khẩn trương đến sơ cứu và đưa bệnh nhân về bệnh viện cứu chữa.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có tình trạng sốc, cơ thể có đa vết thương, trong đó vết thương đầu ngực trước tim nguy hiểm đến tính mạng, phải mổ cấp cứu khẩn cấp. Ngay lập tức, bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện đến các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 để tham gia ê kíp thực hiện phẫu thuật cho anh N. Sau một giờ phẫu thuật, bệnh nhân được xử trí mở lồng ngực, khâu vết thương tim, cầm máu và đặt ống dẫn lưu. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, đi đứng lại bình thường và được rút các ống dẫn lưu.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Linh, Khoa Ngoại tổng hợp, BV Đa khoa Sài Gòn, cho biết bệnh nhân khá may mắn khi được các bác sĩ tiếp cận sớm. Khi có những vết thương sâu ở tim thì không nên di chuyển vì sẽ gây mất máu, sốc gây suy giảm chức năng tim và dẫn đến tử vong. Bệnh nhân cần gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.