Cựu sĩ quan không làm chủ được bản thân
Theo hồ sơ vụ án, cơ quan tố tụng cho hay, đầu năm 2019, tàu Glory của Phan Thanh Hữu (sinh năm 1957, trú quận Bình Thạnh, TPHCM) bị cảnh sát biển vùng 3 bắt giữ vì vận chuyển 1,7 triệu lít dầu DO.
Sau đó, Hữu nhờ Đào Ngọc Viễn (sinh năm 1968, trú tại quận Bình Tân, TPHCM) tìm các mối quan hệ để giúp Hữu không bị xử lý hình sự. Do có quan hệ từ trước với Đại tá Phùng Danh Thoại (Trưởng Phòng xăng dầu, Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) nên Viễn đưa Hữu đến gặp Đại tá Thoại để nhờ giúp đỡ. Từ đó, Đại tá Thoại và Hữu quen biết nhau.
Với ý định lợi dụng ảnh hưởng của Đại tá Thoại đối với lực lượng cảnh sát biển để thuận lợi trong quá trình buôn lậu, Đào Ngọc Viễn nhiều lần rủ Đại tá Thoại tham gia góp vốn mua hàng, lợi nhuận được chia vài tỷ/năm.
Cơ quan tố tụng cho rằng, vì lợi nhuận rất lớn từ buôn lậu xăng dầu, nên Đại tá Thoại không làm chủ được bản thân và đồng ý góp vốn với Viễn và Hữu để buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.
Cơ quan chức năng xác định, từ tháng 5 đến tháng 7-2019, Đại tá Thoại đã chuyển cho Viễn 5 tỷ đồng để góp vốn với Phạm Hùng Cường (sinh năm 1966, trú tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) và một đối tượng tên Trọng “dầu” (chưa rõ lai lịch) để cùng góp vốn với Phan Thanh Hữu mua xăng từ Singapore về Việt Nam, theo thỏa thuận, tỷ lệ ăn chia 60% - 40% (Hữu 40%, nhóm của Viễn 60%, tổng vốn 53,4 tỷ đồng).
Trong quá trình “làm ăn”, Đại tá Thoại bị các đối tượng giấu không cho biết tỷ lệ cổ phần và nhóm có bao nhiêu người.
Các đối tượng sau đó thỏa thuận, thống nhất các chi phí vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam. Đối với tàu có tải trọng nhỏ, chở được 3 triệu lít xăng sẽ tính phí 1,6 tỷ đồng/chuyến. Tàu chở được 5 triệu lít sẽ tính 2,6 tỷ đồng/chuyến.
Số tiền thu được từ bán xăng nhập lậu vào Việt Nam, sau khi trừ chi phí vận chuyển và chi phí đưa hối lộ, Phan Thanh Hữu hưởng 40% lợi nhuận; Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường, Đại tá Phùng Danh Thoại hưởng 60% lợi nhuận. Mỗi tháng, các tàu Pacific Ocean và Wetern Sea vận chuyển từ 3 đến 6 chuyến, mỗi chuyến từ 3,8 đến 5 triệu lít xăng.
Kết quả điều tra xác định Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường, Trọng “dầu” và Đại tá Phùng Danh Thoại buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95 III, trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, số lượng xăng hơn 2,5 triệu lít chưa kịp tiêu thụ thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai) bắt giữ.
Cơ quan tố tụng cho hay, căn cứ kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai, xác định, tổng giá trị của hơn 198 triệu lít xăng RON 95 III là hơn 2.700 tỷ đồng.
Thông qua hành vi buôn lậu, Phan Thanh Hữu được hưởng số tiền 105 tỷ đồng; nhóm Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường, Trọng “dầu” và Đại tá Phùng Danh Thoại hưởng lợi hơn 157 tỷ đồng.
Trong quá trình chia lợi nhuận, Đại tá Phùng Danh Thoại được nhóm đối tượng trên 16 lần đưa tiền, số ít nhất 250 triệu đồng, nhiều nhất là 3,4 tỷ đồng (tổng số tiền Đại tá Thoại nhận là hơn 22 tỷ đồng).
Quá trình điều tra, Đại tá Phùng Danh Thoại nhận thức được sai phạm và chủ động nộp lại 16,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Bảo kê cho trùm buôn xăng lậu
Trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định, Thiếu tướng Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4) có nhiều hành vi sai phạm.
Theo đó, Phan Thanh Hữu biết Thiếu tướng Lê Văn Minh là Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, quản lý vùng biển các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang nên Hữu đã liên hệ nhờ tướng Minh giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng và được Tướng Minh đồng ý.
Theo hồ sơ, khi tiếp nhận xăng nhập lậu từ Singapore đưa về vùng biển Việt Nam, Phan Thanh Hữu đều liên lạc, gọi điện, nhắn tin báo cho Thiếu tướng Lê Văn Minh biết để giúp đỡ, bảo kê, không bị kiểm tra, bắt giữ.
Phan Thanh Hữu sử dụng các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 từ tỉnh Sóc Trăng ra biển, tọa độ được Hữu cung cấp cho các thuyền trưởng nhận xăng lậu đi qua cửa Định An, luồng kênh Quan Chánh Bố (tỉnh Trà Vinh) vào khu vực sông Hậu an toàn.
Vì vậy, hàng tháng, Phan Thanh Hữu chi tiền để hối lộ cho Thiếu tướng Lê Văn Minh. Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 12-2019 đến tháng 8-2020 (giai đoạn Phan Thanh Hữu sử dụng 2 tàu Nhật Minh 07 và Nhật Minh 08 để mua bán, vận chuyển xăng lậu), mỗi tháng Hữu chi cho Thiếu tướng Lê Văn Minh 450 triệu đồng. Việc chi tiền cho Thiếu tướng Lê Văn Minh thông qua tài khoản của vợ Lê Văn Minh và đưa trực tiếp.
Quá trình điều tra, Thiếu tướng Lê Văn Minh ban đầu không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng sau đó nhận thức lại, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của bản thân.
Liên quan vụ án, trước đó, Phan Thanh Hữu cùng 72 người khác cũng đang bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai truy tố về hành vi “Buôn lậu” với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù.
Trong vụ án, có nhiều cựu sĩ quan quân đội bị đưa ra xét xử: Thiếu tướng Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4); Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3); Thiếu tá Lưu Thế Đức (cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển); Đại tá Nguyễn Thế Anh (cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang); Đại tá Phạm Văn Trên (cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh); Trung tá Nguyễn Thanh Lâm (cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng); Thượng tá Nguyễn Văn Hùng (cựu Đồn trưởng Đồn Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh) và Thượng úy Sơn Hoàng Ngự (cựu nhân viên Đồn Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh); Đại tá Phùng Danh Thoại (cựu Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển)… |