Tham mưu cho phép bán nhà, đất công sản cho Phan Văn Anh Vũ không qua đấu giá
Tiếp tục xét hỏi với bị cáo Phan Xuân Ít (cựu Trưởng Phòng Quản lý đô thị, thành viên Hội đồng bán đấu giá nhà công sản thành phố). Ông Ít cho biết, mình không tham mưu, đề xuất mà làm theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, chỉ làm thủ tục hành chính, nên đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại hành vi của bị cáo, bị cáo đang bị bệnh, rối loạn tuần hoàn não nên trí nhớ bị ảnh hưởng.
Bị cáo Phan Xuân Ít bị cáo buộc đã lập Phiếu trình tham mưu cho phép bán nhà, đất công sản số 158 Bạch Đằng trên cho Phan Văn Anh Vũ theo hình thức chỉ định không qua đấu giá. Tại cuộc họp giao ban ngày 20-10-2005, Trần Văn Minh có ý kiến chỉ đạo “Đồng ý về chủ trương chuyển quyền sử dụng đất tại 158 Bạch Đằng cho Công ty Xây dựng 79”.
Tại phiên phúc thẩm, ông Ít khẳng định, nhiệm vụ chủ yếu của mình theo từng giai đoạn công việc, ông cũng không nhớ được mình đã trình lên UBND thành phố các tờ trình, nhưng trong hồ sơ thể hiện ông Ít có trình lên 20 nhà công sản. Ông Ít sau đó nhớ lại, nội dung các tờ trình theo đề xuất của các sở, theo chỉ đạo của UBND thành phố…, lúc đó Chủ tịch là ông Trần Văn Minh. “Trong quá trình giữ các chức vụ, bị cáo chỉ biết Vũ chứ không thân quen”, ông Ít khẳng định.
Bị cáo Nguyễn Điểu (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng) cho rằng, mình làm việc có quy chế và phân công cụ thể. Việc bán nhà, đất công sản thì giao cho phó giám đốc phụ trách. Bị cáo có ký văn bản 33/2011 về xin ý kiến chỉ đạo gửi UBND TP Đà Nẵng có nội dung: Giao Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đo đạc, lập Sơ đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất 29 ha, báo cáo UBND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định, làm cơ sở lập thủ tục trình UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định thu hồi đất, giao đất cho công ty của Việt Nam theo quy định (ý kiến của Trung tâm Xúc tiến đầu tư tại Công văn số 369/XTĐT-XTDA ngày 30-12-2010 thì giao cho Công ty Quản lý và Khai thác đất thực hiện việc ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Xây dựng 79, đơn vị thực hiện việc liên kết nói trên). Theo Thỏa thuận nguyên tắc ký kết giữa UBND TP Đà Nẵng và Công ty TNHH Daewon Cantavil ngày 16-11-2006 thì đơn giá đất chuyển quyền đối với phần diện tích đất trên là 300.000 đồng/m2.
Căn cứ nội dung tham mưu, đề xuất của Lê Cảnh Dương và Nguyễn Điểu, tại cuộc họp giao ban ngày 9-2-2011 giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, bị cáo Trần Văn Minh đã quyết định chủ trương: Đồng ý về nguyên tắc việc thu hồi đất và chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Xây dựng 79 phần diện tích 29 ha thuộc Dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước để sử dụng diện tích đất nêu trên liên doanh với Công ty TNHH Daewon Cantavil thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu biệt thự, nhà phố…
Bị cáo Nguyễn Quang Thành (cựu Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng Phát) giải thích các tình tiết để giảm nhẹ tội. Bị cáo cho rằng, mình có tờ trình số 52 về việc đổi tên quyền sử dụng đất số 20 Bạch Đằng để đứng tên mình nhưng lấy tiền của công ty nộp vào. Chủ tọa hỏi, tiền của công ty sao lại đổi tên cho mình? Bị cáo Thành nói, bị cáo là người nộp tiền và tiền đó là của bị cáo chứ không phải của Phan Văn Anh Vũ và ông Thành đề nghị tòa đưa ra chứng cứ cáo buộc tiền do bị cáo Vũ nộp?
Sau khi được UBND TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tài sản trên, bị cáo Thành cho rằng mình có toàn quyền muốn bán cho ai là việc của mình. Tòa truy để làm rõ việc thất thoát tài sản nhà nước, “bán cho ai”? Bị cáo Thành nói bán cho Phan Văn Anh Vũ.
Cựu Chủ tịch Văn Hữu Chiến nói mình oan
Diễn biến tiếp phiên phúc thẩm với phần xét hỏi các bị cáo. Bị cáo Phan Minh Cương (cựu Giám đốc Công ty TNHH I.V.C, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 79), khai bị cáo với Vũ là bạn bè. HĐXX yêu cầu bị cáo nói rõ bị cáo là giám đốc của công ty nào, bởi trong hồ sơ Cương chỉ là người được Phan Văn Anh Vũ nhờ đứng tên cá nhân doanh nghiệp trên và trả lương hàng tháng chứ không góp vốn như lời Cương khai tại phiên phúc thẩm.
“Thực chất những việc làm ký các đơn xin mua các nhà công sản, bị cáo làm với chức danh là giám đốc có sự bàn bạc của công ty. Đến bây giờ bị cáo nhận thức đó là đúng, bởi thành phố thời điểm đó có chủ trương chung”, bị cáo Cương cho biết và việc tòa sơ thẩm tuyên thu hồi căn nhà số 45 Nguyễn Thái Học là không có căn cứ, làm ảnh hưởng tới công ty I.V.C.
Ở phần mình, cuối buổi sáng nay, bị cáo Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) liên tục cho rằng mình không phải là “đồng phạm”. Và việc ký các văn bản, quy kết như bản án sơ thẩm là không đúng, không khách quan. Bị cáo Chiến đề nghị, trước hết phải xác định vai trò của ông trong vụ án: “Tôi ký theo quy định pháp luật, Phó Chủ tịch được ký thay một số quyết định, chỉ thị của Chủ tịch; theo nhiệm vụ phân công hàng năm, trong đó Phó Chủ tịch được phụ trách một số lĩnh vực, thay mặt Chủ tịch xử lý vấn đề được phân công. Trực tiếp việc bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất là do Chủ tịch quyết”, ông Chiến nói.
Chủ tọa liên tục nhắc lại việc bản thân bị cáo khi biết các văn bản sai mà vẫn ký, điều đó quy kết “đồng phạm” là không sai? Ông Chiến cho rằng, chữ ký của ông chỉ là hình thức để hoàn thiện hồ sơ, bởi có những tài sản chưa ký thì người mua đã nộp tiền, như nhà 45 Nguyễn Thái Ngọc, 158 Bạch Đằng (thời Chủ tịch Hoàng Tuấn Anh)…
Việc này, ông Chiến nói sẽ có báo cáo gửi HĐXX 17 vấn đề quy kết ông là không đúng, nhiều nội dung oan sai, dẫn đến tội danh của ông quá nặng. Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng còn khẳng định, nếu mình vi phạm chỉ là vi phạm hành chính, chứ không thể hình sự được. Bị cáo cũng khẳng định, mình và ông Trần Văn Minh là quan hệ cấp trên với cấp dưới, không có việc đồng phạm như quy kết của cơ quan tố tụng.
Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) khẳng định, các văn bản mà ông ký là đúng pháp luật, đúng theo tinh thần tạo cơ chế cho thành phố ở thời điểm đó. Tuy nhiên, chủ tọa khẳng định, các văn bản trên không căn cứ vào quy định nào, điều khoản nào?Việc này, ông Minh vẫn khẳng định là đúng pháp luật, còn giám định của cơ quan giám định văn bản ông ký là sai so với Luật Đất đai là đứng trên Văn bản của Trung ương. “Giám định viên không thể đứng trên Thủ tướng Chính phủ, đây là chủ trương của cấp trên”, ông Minh khẳng định.