Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức vùng bụng, đau đầu, chóng mặt, hạ huyết áp, đau cột sống thắt lưng, thể trạng suy kiệt. Người nhà bệnh nhân cho biết trước đó 5 ngày, cụ ông bắt đầu bị đau bụng, buồn nôn sau ăn, ăn uống rất kém và không đi tiêu được. Ông có tiền sử bệnh thận mạn giai đoạn 3B, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch ngoại biên.
Ngay lập tức, các bác sĩ cho thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu phát hiện bệnh nhân có túi phình lớn (gần 7cm) tại vị trí động mạch chậu chung bên phải, có dịch tự do trong ổ bụng nghi do vỡ túi phình. Để tránh rủi ro cho tính mạng người bệnh, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành thủ thuật đặt stent graft vào lòng động mạch loại bỏ túi phình đang vỡ.
Do bệnh nhân tuổi cao, thể trạng kém, bệnh nền tăng huyết áp và thận mạn nên từng bước đặt stent được tiến hành vô cùng thận trọng. Sau khoảng 1 giờ thực hiện, một stent kích thước 93 x 16mm đã được đặt thành công vào vị trí động mạch chậu chung phải, loại bỏ túi phình động mạch, cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy hiểm.
Bệnh nhân sau đó được theo dõi sát sao, tích cực chăm sóc nâng cao thể trạng và điều trị tiếp các bệnh lý nền. Chỉ 3 ngày sau khi thực hiện thủ thật, bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng ổn định.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Duy Trang, Trưởng khoa Nội Tim mạch – Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115, động mạch chủ bụng cung cấp máu cho phần dưới cơ thể. Ngay phía dưới rốn, động mạch chủ chia thành hai nhánh là những nhánh động mạch chậu, mang máu đến cho các chi dưới. Động mạch chủ bình thường có đường kính khoảng 2cm.
Giai đoạn đầu phình động mạch chủ chậu nói riêng, phình động mạch chủ nói chung, hầu như không có triệu chứng rõ rệt. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, túi phình sẽ ngày càng lớn, thành động mạch mỏng và nguy cơ vỡ có thể đến vào bất cứ lúc nào. Khi đó, một lượng máu lớn sẽ chảy ra trong ổ bụng, bệnh nhân có thể tử vong vì mất máu.
Càng đáng ngại là vỡ phình động mạch chủ bụng rất dễ bị bỏ sót do dễ nhầm với các bệnh lý tiêu hóa, người bệnh thường lớn tuổi, nhiều bệnh lý kết hợp nên nguy cơ tử vong rất cao, lên đến hơn 90%. Có thể nói, đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
Việc thường xuyên kiểm tra các bệnh lý tim mạch là đặc biệt cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm như vỡ phình động mạch, tắc động mạch… Phình động mạch chủ bụng có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng nguy cơ cao hơn ở nam giới, người cao tuổi, người có bệnh lý tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, người thường xuyên hút thuốc lá.
“Bệnh ít có triệu chứng điển hình, người bệnh phình động mạch chủ bụng có thể có một số dấu hiệu không điển hình như đau mơ hồ. Một số triệu chứng cảnh báo vỡ phình động mạch chủ bụng là đau đột ngột và dữ dội ở ngực hoặc bụng, lưng; mạch nhanh và huyết áp không đo được hoặc rất thấp, da niêm mạc nhợt, ngất … Nếu gặp các triệu chứng này, người bệnh cần cấp cứu ngay lập tức”, bác sĩ Dương Duy Trang khuyến cáo.
Stent graft là một giá đỡ bằng kim loại đặc biệt có phủ màng sợi tổng hợp sử dụng để đặt vào vị trí động mạch chủ nhằm mục đích tránh cho nó bị vỡ, điều chỉnh dòng máu chảy bên trong. |