Từ đầu năm tới nay, số người tử vong vì bệnh dại do không tiêm phòng vaccine ở mức cao. Lo ngại bệnh dại còn có thể gia tăng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm (do thời tiết nóng bức tạo môi trường thuận lợi cho virus dại phát triển), ngành y tế cho biết đã có phương án bổ sung các loại vaccine phòng dại đang trong quá trình lưu hành tại Việt Nam để giảm thiểu tình trạng khan hiếm cục bộ.
Người dân vẫn chủ quan
Người dân vẫn chủ quan
Số bệnh nhân bị dại tới khám, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương tuy rải rác vài ca mỗi tháng nhưng hầu hết là ca bệnh không thể cứu chữa do không chích ngừa vaccine sau khi bị chó, mèo dại cắn. Mới đây, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một phụ nữ (40 tuổi, ở Bắc Giang) lên cơn dại sau hơn một tháng bị chó cắn. Dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nữ bệnh nhân nhưng cuối cùng vẫn đành bó tay.
Còn theo thông tin từ Viện Pasteur TPHCM và BV Bệnh nhiệt đới, số lượng người dân tìm đến chích ngừa vaccine phòng bệnh dại gần đây khá đông. Từ tháng đầu năm đến nay, tại BV Bệnh nhiệt đới, trung bình mỗi tháng có 170 - 270 trường hợp bị chó, mèo cắn được tiêm huyết thanh kháng virus dại SAR và khoảng 200 - 800 người được tiêm vaccine phòng bệnh dại Verorab. Trong khi đó, mỗi ngày Viện Pasteur TPHCM tiếp nhận 800-1.200 người dân đến tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, tăng hơn gấp đôi so với ngày thường.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2018 cả nước đã ghi nhận 18 ca tử vong do bệnh dại, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia dịch tễ nhận định, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine.
Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh dại xuất hiện là do virus dại được tiết ra từ tuyến nước bọt của chó, mèo lây sang cho người qua tiếp xúc. Lúc này, virus dại đi qua da, niêm mạc rồi đi vào máu, đến các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là tổ chức thần kinh ngoại biên, sau đó đi đến não là hệ thần kinh trung ương. Tại đây, virus theo dây thần kinh đi đến tuyến nước bọt, tản ra khắp hệ thống thần kinh và gây tổn thương tổ chức não, gây viêm não cấp, thể hiện bằng các triệu chứng lâm sàng là rối loạn tâm thần hoặc bị liệt, rồi tử vong. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới, cho biết, không ít người khi bị chó, mèo cắn đã chủ quan không đi tiêm phòng. Đến khi bệnh dại phát cơn, lúc đó mới tới bệnh viện đã quá muộn.
Đảm bảo đủ vaccine ngừa dại
Cục Y tế dự phòng chỉ rõ: bệnh dại chưa có thuốc đặc trị, tuy nhiên có thể phòng, điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Trong đó, tiêm vaccine phòng bệnh dại kịp thời là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại ở người.
Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), 5 loại vaccine phòng dại được cấp đăng ký lưu hành tại Việt Nam là Verorab được sản xuất tại Pháp cùng 4 loại vaccine được sản xuất tại Ấn Độ gồm Abhayrab, Indirab, Speeda, Rabipur. Trên cả nước có khoảng 700 điểm tiêm chủng vaccine dại. Hàng năm, trung bình có khoảng 400.000 - 500.000 người tiêm vaccine phòng dại. Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết, đặc thù của vaccine dại là nhu cầu sử dụng phụ thuộc số lượng người bị chó, mèo cắn. Vì vậy, việc lập kế hoạch, dự báo nhu cầu vaccine ngừa dại là tương đối khó khăn so với các loại vaccine khác. Trong khi hợp đồng ký giữa các cơ sở cung ứng vaccine với các đơn vị tiêm chủng là hợp đồng nguyên tắc, không có số lượng cụ thể nên khó khăn cho các cơ sở cung ứng trong việc cung cấp vaccine, nhất là khi nhu cầu sử dụng tăng cao.
Trước hiện tượng thiếu hụt vaccine dại trong những tháng đầu năm 2018, Cục Quản lý dược đã liên hệ với các công ty nhập khẩu, cung ứng vaccine để ưu tiên cung ứng vaccine cho các đơn vị, địa phương có báo cáo thiếu vaccine dại. Đồng thời, đơn vị này cũng chủ động ưu tiên thẩm định nhanh các hồ sơ đăng ký, bổ sung đối với các vaccine phòng dại đang trong quá trình lưu hành tại Việt Nam. Theo kế hoạch, chỉ riêng trong tháng 5 này sẽ có thêm hơn 273.000 liều vaccine dại được nhập về Việt Nam, cao hơn gấp đôi số lượng nhập khẩu trung bình trong một tháng của năm 2017, qua đó giải quyết được tình trạng khan hiếm cục bộ vaccine dại.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y TPHCM, trong 2 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn TP có 3.177 người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng. Số trường hợp tiêm ngừa trước 10 ngày sau thời điểm bị súc vật cắn lên tới 99,19%. Trong đó, quận 6 có số người bị chó, mèo cắn cao nhất với gần 580 trường hợp (hơn 21%). Trong khi đó, quận 3 và quận 10 không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào bị chó, mèo cắn. Được biết TPHCM hiện có gần 105.970 hộ nuôi chó, mèo với tổng đàn hơn 190.810 con.