Trong các bị can có bà Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa; Lê Văn Cương, cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Văn Phụng, cựu Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa; Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty Sách Thanh Hóa…
Theo cáo trạng, từ năm 2019 đến năm 2020, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa triển khai 2 gói thầu mua sắm đồ dùng dạy học lớp 1 (mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện Chương trình sách giáo khoa mới từ năm 2020-2021 cho 169 trường vùng đặc biệt khó khăn; mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện Chương trình sách giáo khoa mới từ năm 2020 - 2021 và vận chuyển lắp đặt thiết bị cho 512 trường).
Bị can Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa. Ảnh: BỘ CÔNG AN |
Biết Sở GD-ĐT Thanh Hóa có chủ trương tổ chức đấu thầu gói thầu số 1, Lê Thế Sơn đến gặp Phạm Thị Hằng xin tham gia và tạo điều kiện để trúng gói thầu. Sau đó, bà Hằng đã chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Công ty Sách Thanh Hóa trúng thầu.
Việc "thông thầu" còn thể hiện, bà Hằng ký quyết định chỉ định Công ty Nam Anh do Nguyễn Duy Linh làm giám đốc, là đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu số 1 mà không thẩm định hồ sơ năng lực của công ty này. Bản thân Nguyễn Duy Linh là giám đốc công ty nhưng không có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định.
Được cựu lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa tạo điều kiện, Linh sau đó đã soạn thảo biên bản thương thảo hợp đồng, hợp đồng tư vấn, quyết định chỉ định thầu gửi cho Bùi Trí Thức, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT Thanh Hóa để Thức “hợp thức hóa” trình bà Hằng ký phê duyệt để lập hồ sơ mời thầu.
Sai phạm chưa dừng lại, Công ty Sách Thanh Hóa còn nhờ doanh nghiệp khác cùng tham gia dự thầu với vai trò “quân xanh”.
Kết quả điều tra cũng xác định, quá trình thực hiện gói thầu số 2, hành vi sai phạm của các bị can cũng tương tự như gói thầu số 1. Bà Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo Trịnh Hữu Nghĩa (lúc này là Phó phòng Kế hoạch - Tài chính phụ trách thay cho Lê Văn Cương đã nghỉ hưu), Nguyễn Văn Phụng tạo điều kiện theo đề nghị của Lê Thế Sơn.
Do gói thầu số 2 có giá trị lớn (gần 87 tỷ đồng) nên Công ty Sách Thanh Hóa không đủ năng lực để tham gia, do vậy Lê Thế Sơn đã chủ động liên hệ với Công ty Hoàng Đạo, Công ty Khang An, Công ty Nam Hoa và Công ty Long Thành đề nghị cùng tham gia liên danh đấu thầu với tên gọi Liên danh Thanh Hà.
Do đã thông đồng, sắp xếp từ trước nên liên danh Thanh Hà đã đấu thầu và dễ dàng trúng 2 gói thầu trên có tổng giá trị 119,6 tỷ đồng (gói số 1 trị giá 32,6 tỷ đồng; gói số 2 gần 87 tỷ đồng).
Kết thúc mỗi gói thầu, Lê Thế Sơn đã 2 đến phòng làm việc “lại quả” cho Nguyễn Văn Phụng mỗi lần 3 tỷ đồng (tổng cộng 6 tỷ đồng). Nguyễn Văn Phụng đã đưa cho Phạm Thị Hằng 3 tỷ đồng…
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, quá trình tổ chức triển khai thực hiện 2 gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1, các bị can đã có hành vi "thông thầu", không đảm bảo công bằng minh bạch, tiết lộ tiếp nhận những tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu vi phạm quy định về đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 21 tỷ đồng.
Cơ quan công tố xác định, bị can Phạm Thị Hằng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Công ty sách Thanh Hoá do Lê Thế Sơn làm Giám đốc tham gia và trúng thầu; thành lập hội đồng mua sắm nhưng không thực hiện nhiệm vụ gì liên quan đến 2 gói thầu; ký các văn bản đề xuất của cấp dưới, biết rõ nội dung kết quả lựa chọn nhà thầu không công bằng, khách quan.
Hành vi của Phạm Thị Hằng vi phạm quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 21 tỷ đồng, bản thân bị can hưởng lợi trái pháp luật số tiền 3 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, bị can Phạm Thị Hằng thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; quá trình công tác được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen; đã nộp 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.