Đáng chú ý, trong số những người phải trả lời trước tòa với tư cách là người làm chứng, ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang) thừa nhận đã chuyển danh sách 3 thí sinh cho bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang) nhưng chỉ nhờ cấp dưới của mình xem điểm hộ, chứ không phải nhờ nâng điểm. 3 thí sinh này có tên trong danh sách 13 thí sinh được đánh máy trong một tờ giấy mà bị cáo Chính đưa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) để thực hiện nâng điểm. Tuy nhiên, cả bị cáo Chính và ông Sử khi trả lời trước tòa đều chối bỏ việc này mà khẳng định chỉ yêu cầu Hoài “xem điểm” chứ không “nâng điểm” cho các thí sinh.
* Cùng ngày, tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến gian lận, nâng điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La) đã phủ nhận việc đã nhờ cấp dưới nâng điểm cho 13 thí sinh như cáo trạng quy kết. “Bị cáo chỉ nhờ xem trước điểm và không cho phép các bị cáo khác sửa bài thi...”, bị cáo Yến nói và cho rằng bản thân không chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Sở GD-ĐT Sơn La) xóa dữ liệu trên máy tính khi vụ gian lận điểm thi bị phát hiện.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Đinh Hải Sơn (cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La) thừa nhận, đã làm trái công vụ khi nhận thông tin của 2 thí sinh và nhờ bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga và Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) nâng điểm.