Bào chữa cho bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BV Hòa Bình) trước đó bị đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù, luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo Dương tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa đúng căn cứ.
Suốt quá trình diễn ra phiên tòa, đại diện cơ quan tố tụng không đánh giá được phần trình bày của các chuyên gia, tác động ra sao dẫn đến vụ tai biến chạy thận ở BV Hòa Bình ngày 29-5-2017. Luật sư Nam cho rằng, trong bản luận tội, đại diện VKS chỉ đọc lại nội dung của cáo trạng, gây bất lợi cho bị cáo Dương và các bị cáo khác. Do đó, cần xem xét về việc luận tội có chính xác hay không. Luật sư bảo vệ cho cựu Giám đốc BV Hòa Bình cũng cho rằng, việc thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo là giúp người dân tiện hơn trong việc chữa bệnh, chủ trương thành lập đơn nguyên là chủ trương đúng đắn nhưng đại diện VKS cho rằng việc thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo là không đúng quy định.
Cũng bào chữa cho cựu Giám đốc BV Hòa Bình, luật sư Đỗ Quốc Quyền cho rằng vấn đề chịu trách nhiệm hệ thống nước RO phải thuộc về lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực và ở vụ việc này thuộc về trách nhiệm của bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc BV Hòa Bình, kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực).
Tuy nhiên đối đáp lại các ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo Dương, đại diện VKS nêu rõ trong bản luận tội không đề cập đến việc thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo là đúng hay sai, mà chỉ nêu ra rằng việc ông Dương thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo (thuộc Khoa Hồi sức tích cực) nhưng không có kỹ thuật viên hoặc kỹ sư. Theo quan điểm của VKS nếu không có kỹ thuật viên hoặc kỹ sư, bệnh viện phải bố trí kỹ sư của Phòng Vật tư – Thiết bị y tế, hoặc phân công cho điều dưỡng viên.
Tại phiên tòa, bị cáo Dương khai nhận có bố trí, phân công là trách nhiệm của trưởng khoa, nhưng lập luận của VKS là bị cáo Dương phải kiểm tra, giám sát xem ông Khiếu (nguyên Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực) có thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ được giao không. Ngay cả việc quản lý, sử dụng trang thiết bị, cụ thể là hệ thống RO số 2, ông Khiếu cũng không giao cho ai, nhưng ông Dương cũng không sâu sát kiểm tra.
“Chúng tôi chỉ cáo buộc bị cáo Dương buông lỏng kiểm tra, giám sát để cấp dưới sai phạm. Bị cáo Dương là người ký hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng, dù không trực tiếp thực hiện nhưng bị cáo phải kiểm tra, giám sát. Việc sửa chữa, bảo dưỡng đã thực hiện theo đúng định kỳ nhưng không quan tâm đến chất lượng sửa chữa, để xảy ra tình trạng sửa xong là đưa vào dùng”, đại diện VKS nêu quan điểm. |