HĐXX nhận định, vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp với hàng chục ngàn bị hại. Trong quá trình truy tố, VKSND tối cao và Tòa án nhân dân TP Hà Nội cũng đã nhiều lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.
Theo HĐXX, Công ty BQP và Công ty Liên Kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập, điều hành hoạt động.
Lợi dụng Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, Lê Xuân Giang (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt), Lê Văn Tú (cựu Tổng Giám đốc), Nguyễn Thị Thủy (cựu Phó Tổng Giám đốc), Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường (cựu nhân viên phát triển thị trường) đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối tạo dựng, cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt, Công ty BQP.
HĐXX cho rằng, sau khi tạo lòng tin về Công ty Liên Kết Việt, Công ty BQP, về hàng hóa kinh doanh đa cấp và uy tín trong hoạt động kinh doanh của các công ty này, Giang và đồng phạm đã sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt, nhằm được hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao do chế độ trả thưởng, các chương trình khuyến mại trái pháp luật do các bị can đặt ra.
Với cách thức, phương pháp, thủ đoạn như trên, sau một năm hoạt động, đến tháng 11-2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, lôi kéo được hơn 68.000 bị hại tại 49 tỉnh, thành phố tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp.
Tổng số tiền mà Giang và đồng phạm thu của bị hại là hơn 2.000 tỷ đồng. Trong vụ án này, các bị cáo đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý hám lợi để tuyên truyền sai sự thật, thông qua đó thực hiện hành vi lừa đảo có tổ chức, xâm hại đến tài sản đặc biệt lớn của nhiều người; gây mất đoàn kết, rạn nứt của nhiều gia đình...