Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ hầu tòa phúc thẩm

Sáng 6-5, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên xét xử phúc thẩm đối với vụ sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) và một số cơ quan, tổ chức liên quan. 

Phiên tòa dự kiến diễn ra đến ngày 12-5, do thẩm phán Phan Chung Kết làm chủ tọa. Tuy nhiên, trong phần làm thủ tục, HĐXX thông báo chỉ cho phóng viên tham gia tác nghiệp ở phần làm thủ tục và phần tuyên án, không cho theo dõi diễn biến phiên tòa, dù đây là vụ án được xét xử công khai, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử.

tuyen2.jpg
Bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tại phiên tòa ngày 29-11-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của 7 bị cáo, trong đó có ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

z6572686602527_feae9713ac7ef58d444b7f6f41aed938.jpg
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Xuyên Việt Oil tại phiên tòa ngày 6-5. Ảnh: THÀNH CHUNG

Theo bản án sơ thẩm, khi giữ các chức vụ lãnh đạo tại ngân hàng, ông Lê Đức Thọ đã nhận 600.000 USD (13,8 tỷ đồng) từ bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Xuyên Việt Oil, để phê duyệt hạn mức tín dụng 5.000 tỷ đồng cho công ty này. Đến năm 2021, khi làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông tiếp tục nhận hơn 22 tỷ đồng từ bà Hạnh để tác động đến chi nhánh ngân hàng tại Bến Tre, giúp Xuyên Việt Oil vay 400 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp 40%.

Cấp sơ thẩm nhận định, bị cáo Lê Đức Thọ nhận tiền và quà từ Mai Thị Hồng Hạnh với số tiền nhiều hơn các bị cáo là cựu quan chức, nên mức xử phạt cần nghiêm khắc hơn.

Tuy nhiên, bị cáo Lê Đức Thọ phạm tội trong bối cảnh mới tiếp nhận vị trí cao nhất tỉnh Bến Tre, với mong muốn tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân… nên đã tận dụng mối quan hệ với Công ty Xuyên Việt Oil để kêu gọi Mai Thị Hồng Hạnh đầu tư cho tỉnh nhà.

z6572686602767_27927a3fbe65c5a5848c5690d1de5732.jpg
Bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tại phiên tòa ngày 6-5. Ảnh: THÀNH CHUNG

TAND TPHCM tuyên phạt ông Lê Đức Thọ 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, tổng cộng 28 năm tù. Ông còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến tài chính – ngân hàng trong 2 năm sau khi chấp hành án.

Ngoài bị cáo Lê Đức Thọ, các bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (bị tuyên án 30 năm tù), Nguyễn Thị Như Phương (cựu Phó Giám đốc Xuyên Việt Oil, bị tuyên án 6 năm tù), Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, bị tuyên án 7 năm tù), Hoàng Anh Tuấn (cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, bị tuyên án 7 năm tù), Nguyễn Lộc An (cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, bị tuyên án 4 năm tù), Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, bị tuyên án 6 năm tù), có kháng cáo, sẽ được TAND Cấp cao tại TPHCM xem xét tại phiên tòa phúc thẩm.

z6572686616369_feb61ec71e45d892369029f3b3dbce2a.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 6-5. Ảnh: THÀNH CHUNG

Theo điểm d khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí năm 2016, nhà báo được "hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật".

Còn theo khoản 3 Điều 141 Luật Tổ chức TAND năm 2024, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, được thực hiện như sau: Việc ghi âm lời nói được thực hiện trong thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp; Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật TAT LAW FIRM, đối chiếu với các quy định trên cho thấy, quy định tại Điều 141 Luật Tổ chức TAND năm 2024 không mâu thuẫn với Luật Báo chí năm 2016 về hoạt động nghiệp vụ báo chí tại phiên tòa và quyền đối với hình ảnh của tất cả những người có mặt tại phiên tòa; không hạn chế quyền hoạt động nghiệp vụ báo chí của nhà báo theo quy định của Luật Báo chí.

Tin cùng chuyên mục