“Cuồng phong” số 9 sắp đổ vào Trung bộ, có thể đánh đắm các loại tàu thuyền
SGGPO
Sáng nay 26-10, cơn bão Molave đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9, mạnh cấp 13-14, giật tới cấp 16, dự báo sẽ đổ bộ vào Trung bộ. Vì vậy sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc đột xuất với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và cơ quan dự báo bão để chuẩn bị các phương án ứng phó.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thuỷ văn quốc gia, bão Molave đã vào Biển Đông sáng nay 26-10, trở thành bão số 9.
TS Hoàng Phúc Lâm
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, bão số 9 có thể là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay (siêu bão).
"Đây là một cơn bão rất mạnh, đạt cấp 13-14, giật cấp 15-16, có khả năng đánh đắm các loại tàu thuyền"- ông Hoàng Phúc Lâm cảnh báo.
Đáng quan tâm nữa là bão số 9 có tốc độ di chuyển nhanh (siêu tốc) nên sẽ cập bờ vào chiều hoặc đêm ngày 28-10. Dự báo, bão sẽ đổ bộ vào khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Bão số 9 sẽ gây lượng mưa rất lớn với cường độ 500mm mỗi đợt. Sau đó, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tiếp tục gây mưa lũ kéo dài ở Trung bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó cơn bão số 9 tại Hà Nội sáng nay 26-10. Ảnh: PHẠM NGỌC HÀ
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, ưu tiên số 1 là phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân ở tất cả các khu vực, từ trên biển với hoạt động tàu thuyền, nuôi trồng thủy hải sản đến đất liền.
Theo đó, các địa phương cần khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền biết để vào nơi tránh trú bão an toàn; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực lồng bè khi bão vào.
Đối với khu vực đất liền, Thủ tướng đề nghị các địa phương lên phương án sơ tán dân cho phù hợp. Thủ tướng dẫn bài học từ việc sạt lở núi ở Quảng Trị làm 22 người tử vong, vị trí sạt có thể kéo dài hơn 1km, do đó các địa phương cần tính toán kỹ lưỡng di dân đến khu vực thực sự an toàn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo tình hình triển khai ứng phó bão số 9 sáng 26-10. Ảnh: PHẠM NGỌC HÀ
Trước nguy cơ nhiều địa phương đối mặt tình trạng "lũ chồng lũ", "bão chồng bão", Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chuyên trách, Tổng cục Phòng chống thiên tai phải phối hợp, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm công điện của Chính phủ về ứng phó bão, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương không được chủ quan, nếu bão có vào thì cũng đỡ thiệt hại, bão không vào thì cũng rút ra được kinh nghiệm trong công tác ứng phó.
"Nếu đúng như dự báo, thì cơn bão số 9 sẽ rất mạnh, tiềm ẩn thiệt hại rất lớn, các địa phương cần chủ động ứng phó với tinh thần cao nhất"- Thủ tướng đề nghị.
Sau khi làm việc với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới làm việc với Tổng cục Phòng chống thiên tai thuộc Bộ TN-MT. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng đề nghị các địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão không tổ chức các cuộc họp, trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng. Những địa phương này cần tập trung cho ứng phó với bão lũ, sẵn sàng lực lượng và phương tiện để cứu hộ, cứu nạn.
Trong khi đó, theo bản tin lúc 9 giờ sáng nay 26-10 của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thuỷ văn quốc gia đã báo "tin bão khẩn cấp" khi bão vừa mới đi vào Biển Đông.
Hồi 8 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 650km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Sáng nay 26-10, bão số 9 đã vào Biển Đông
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 27-10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 115 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 270km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11 đến 17 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112 đến 120 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 7 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.