Trong đó, có quy định cụ thể việc bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của chung cư có nhiều chủ sở hữu. Đây có phải là bước tháo gỡ vướng mắc về tranh chấp phí bảo trì giữa chủ đầu tư và cư dân vốn xảy ra tại nhiều chung cư hiện nay? Quy định này góp phần bảo vệ quyền lợi cư dân ra sao? (Trần Minh Trung, chung cư A.K, quận 7, TPHCM).
- Luật gia Hoàng Phương, Hội Luật gia quận Bình Thạnh, TPHCM:
Theo Điều 108 của Luật Nhà ở năm 2014, người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp và Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này. Trước nay, việc đóng phí bảo trì tính gộp trong quá trình đóng tiền hàng kỳ theo hợp đồng. Tuy nhiên, rất nhiều dự án khi hàng ngàn hộ dân đã đóng tiền và về cư trú tại các chung cư, nhưng vì nhiều lý do chủ đầu tư không hoàn trả, bàn giao lại phí bảo trì đã khiến cho mâu thuẫn xảy ra rất quyết liệt giữa cư dân và chủ đầu tư.
Điều 36, Nghị định 30 có nội dung sửa đổi, bổ sung, trong đó quy định rất rõ việc bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu. Trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm mở tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn nơi có nhà ở mua bán, thuê mua để nhận kinh phí bảo trì do người mua, thuê mua nhà ở, phần diện tích khác và chủ đầu tư nộp theo quy định.
Điều 37 của Nghị định 30 quy định rõ thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì đối với trường hợp chủ đầu tư không bàn giao. Ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao theo quy định. Trường hợp chủ đầu tư không còn tiền hoặc không đủ tiền để bàn giao thì UBND cấp tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định tài sản để thực hiện việc kê biên, bán đấu giá, thu hồi kinh phí bảo trì.