“Kẹt” kinh phí
Kinh phí tổ chức cưỡng chế công trình xây dựng trái phép luôn là vấn đề nan giải của các quận huyện từ nhiều năm nay. Từ tháng 7-2019, khi các quận huyện đồng loạt ra quân thực hiện Chỉ thị 23/CT-TU, công trình vi phạm giảm nhưng số lượng công trình cần cưỡng chế lại tăng. Bởi, ngoài số công trình sai phạm phát hiện mới, nhiều công trình vi phạm trước đây cũng đưa vào diện buộc cưỡng chế tháo dỡ. Vì thế, áp lực về kinh phí để tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm càng nặng hơn.
Nhiều công trình vi phạm đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện, còn chính quyền lại đợi kinh phí. Có thể kể đến công trình chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú) do Công ty Khang Gia làm chủ đầu tư, xây dựng 71 căn hộ không đúng giấy phép tại tầng lửng, tầng 1 và 2. Năm 2018, cơ quan chức năng yêu cầu khắc phục tháo dỡ, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện được, mà nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí. Chủ tịch UBND quận Tân Phú Hứa Thị Hồng Đang cho biết, quận đã phối hợp Sở Xây dựng TPHCM lập phương án và đề xuất kinh phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, hiện đang chờ thành phố phê duyệt, sau đó sẽ tiến hành xử lý dứt điểm vụ việc.
Hay như tại 2 dự án liền kề là khu dự án nhà ở của Công ty Dịch vụ công ích quận 4 và khu Thảo Điền Gold (quận 2), có tổng cộng 17 công trình xây dựng sai phép, vượt nhiều tầng, đã được UBND TP ban hành quyết định cưỡng chế từ tháng 12-2017. Nhưng cũng vì “kẹt” kinh phí mà chính quyền không tổ chức cưỡng chế được. Đến tháng 6-2018, Sở Xây dựng TP tiếp tục có văn bản đốc thúc các chủ đầu tư thực hiện tháo dỡ, song chủ đầu tư cố tình trì hoãn. Đầu năm 2020, UBND TP đã có văn bản yêu cầu UBND quận 2 đề xuất kinh phí thực hiện cưỡng chế phần xây sai phép tại các dự án trên.
Theo báo cáo của nhiều quận huyện, sau 5 tháng thực hiện Chỉ thị 23/CT-TU, số lượng công trình vi phạm cần cưỡng chế lên đến hàng trăm. Ngoài điểm nóng là huyện Bình Chánh với hàng trăm công trình buộc phải cưỡng chế, tại quận 7 cũng có 47 công trình không phép, hơn 300 công trình sai phép, quận Thủ Đức có 360 công trình trái phép cần cưỡng chế tháo dỡ.
Không thể trả thay người vi phạm
Theo luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM), pháp luật quy định trách nhiệm của chủ đầu tư có công trình vi phạm xây dựng sai phép, không phép rất cụ thể. Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định về xử phạt công trình không có giấy phép: “Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án tháo dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ”. Tại khoản 2, Điều 88 Luật Xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định, việc trả chi phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình do đối tượng vi phạm thực hiện. “Tuy nhiên, biện pháp chế tài đối với chủ đầu tư vi phạm không đóng tiền lại chưa đủ mạnh nên đối tượng vi phạm né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho chính quyền”, luật sư Đoàn Quang Xuân băn khoăn.
Còn theo ông Nguyễn Nam Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, số lượng công trình cần giải tỏa, cưỡng chế trên địa bàn nhiều nhưng việc tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn do hạn chế kinh phí. “Để có tiền tổ chức giải tỏa, quận Thủ Đức phải lập phương án tạm ứng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Và theo quy định, chủ đầu tư có công trình vi phạm phải hoàn trả tiền tạm ứng cho quận. Thế nhưng, nhiều trường hợp không đóng tiền hoàn trả nên việc cưỡng chế càng thêm nan giải”, ông Hải cho biết.
Thực tế cho thấy, tại hầu hết các quận huyện, việc thu tiền từ những chủ đầu tư có công trình vi phạm để chi trả cho công tác cưỡng chế rất khó thực hiện. Những chủ đầu tư lớn có vi phạm thường đưa ra nhiều lý do khác nhau để né tránh, chây ỳ, còn những chủ đầu tư nhỏ dạng hộ gia đình xây nhà riêng lẻ càng khó hơn do không hợp tác, không có mặt tại hiện trường, hoặc chuyển đi nơi khác cư trú.