GS. TSKH Hoàng Văn Kiếm, nhà khoa học máy tính, cũng là Tổng Chủ biên SGK Tin học Trung học phổ thông, Bộ Chân trời Sáng tạo nhấn mạnh: “Với 4 quyển sách giáo khoa và 4 quyển sách giáo viên được biên soạn theo hai định hướng với những chuyên đề, mục tiêu, đối tượng sử dụng khác nhau (giáo viên và học sinh), chúng tôi hy vọng góp phần nhỏ bé để xây dựng ngành CNTT tiếp tục phát triển và trở thành ngành chủ lực tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong tương lai”.
Cá nhân hóa mục đích
Khi được hỏi liệu 4 quyển sách giáo khoa (2 quyển sách học sinh, 2 quyển sách chuyên đề học tập) và 4 quyển sách giáo viên tương ứng chỉ cho một môn học có quá tải hay không, GS. TSKH Hoàng Văn Kiếm khẳng định: Chắc chắn giáo viên và cả học sinh sẽ không sử dụng tất cả các quyển sách trên trong 1 năm học mà chỉ chọn 1 hoặc vài quyển. Số lượng nhiều thực chất để “cá nhân hóa” mục đích của từng nhóm giáo viên, học sinh theo các mục đích đào tạo/học tập khác nhau. Thực tế, việc lựa chọn quyển sách nào trong các quyển sách này cũng tương tự như việc lựa chọn các chủ đề quan tâm khi sử dụng mạng xã hội mà thôi.
Chủ đề A (cũng là chủ đề đầu tiên) mang tên “Máy tính và xã hội tri thức” của SGK Tin học Lớp 12 thuộc Bộ Chân trời Sáng tạo mang tính “thời thượng” nhất, dành 2 bài để nói về Trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng của AI trong cuộc sống hằng ngày.
“Đã có thông tin về việc AI sẽ được giảng dạy cho học sinh tại TPHCM vào năm học tới. Đây là định hướng phù hợp vì AI là xu thế của thế giới. Tuy nhiên, để xây dựng được nền tảng kiến thức về AI, bắt đầu từ những hiểu biết cơ bản, lại là một thách thức không hề nhỏ. Tôi lấy thí dụ, chúng ta đọc nhiều thông tin thấy AI dường như được đem vào giảng dạy ồ ạt ở nhiều nước trên thế giới, nhưng tôi có thể khẳng định rằng họ giảng dạy cũng rất thận trọng chứ không ồ ạt”, GS. TSKH Hoàng Văn Kiếm cho biết. Đó cũng là lý do ngoài những kiến thức về tiềm năng và lợi ích của AI, SGK Tin học Lớp 12 Bộ Chân trời Sáng tạo còn có cả phần nói về “Một vài cảnh báo của AI trong tương lai”.
AI xuất hiện trong SGK Tin học lớp 12 năm tới, nhưng không có nghĩa là các em học sinh ở những khối lớp còn lại cũng phải đợi đến khi lên tới lớp 12 mới được học, vì mỗi bậc học đều có thể tiếp cận AI theo những cách khác nhau.
Định hướng nghề nghiệp
Về mặt cảm tính, có thể với nhiều người, nhất là những bậc phụ huynh cầm trên tay SGK Tin học nói chung sẽ cảm thấy chương trình có vẻ… nặng. Nhưng cảm giác cũng chỉ là… cảm giác khi nhiều người hẳn còn nhớ mấy chục năm trước đã phải “đánh vật” với môn Tin học với Lập trình Pascal, rồi đổi số thập phân thành hệ nhị phân, mày mò trên ổ đĩa cứng 1.44 MB…
SGK Tin học Lớp 12 thuộc Bộ Chân trời Sáng tạo ngoài phần nội dung liên quan đến Trí tuệ nhân tạo, Học máy, Khoa học dữ liệu thì cũng có những nội dung rất thực tế như phần hướng dẫn cho học sinh có kỹ năng lập trình, tạo ra website. Ngoài những kiến thức về “nghiệp vụ”, sách cũng trình bày những nội dung khác, không kém phần quan trọng, như “Đạo đức, Pháp luật và Văn hóa trong môi trường số” (chủ đề D) hay “Hướng nghiệp với Tin học” (chủ đề G).
TS Ngô Quốc Việt, Chủ biên SGK Tin học Lớp 12 - Bộ Chân trời Sáng tạo chia sẻ tâm huyết: “Trong thực tế, có khi bạn bè hay người trong gia đình cũng hỏi tôi rằng có phải SGK “nặng” không. Cần phải khẳng định chắc chắn rằng SGK không “nặng” vì hai lý do: Thứ nhất, chương trình đã được dạy thử nghiệm ở nhiều nhóm học sinh trên toàn quốc. Thứ hai, học sinh tiếp cận với SGK Tin học giờ đây theo một cách rất khác so với các anh chị đi trước vì các em hiểu rằng, đây là những kỹ năng cực kỳ quan trọng để ứng dụng trong học tập. Chẳng hạn, khi học sinh thực hiện một dự án thiện nguyện, hay một chương trình vì cộng đồng, thường sẽ phải xây dựng website, dựng video clip, lên kế hoạch bằng các bảng tính, phân công công việc theo các mốc thời gian. Tất cả đều được giải quyết trong SGK Tin học thuộc Bộ Chân trời Sáng tạo. Đây cũng là mong mỏi của các tác giả khi muốn các em học sinh, ở mọi cấp học có thể vừa học, vừa ứng dụng lập tức môn Tin học vào các hoạt động hằng ngày của mình. Đó cũng chính là sức sống của môn học này.”
Cũng là điều rất tự nhiên, nhiều học sinh đã hào hứng chọn ngành Công nghệ Thông tin là định hướng cho nghề nghiệp tương lai của mình.
“Tin học hay Công nghệ thông tin là một lĩnh vực mà sự biến đổi diễn ra rất nhanh chóng. Thực ra tôi chưa bao giờ xem mình đã “viết xong” cuốn sách này. Mong muốn của tôi trong thời gian tới là sẽ tiếp tục phổ biến, cập nhật thêm kiến thức để giáo viên các bậc học có thể cung cấp cho các học sinh. Ngoài ra, riêng đối với lĩnh vực AI, tôi cũng đã chủ động liên hệ với các tập đoàn công nghệ thế giới để tìm kiếm những giải pháp, tài liệu tốt nhất hỗ trợ cho học sinh Việt Nam”, GS. TSKH Hoàng Văn Kiếm.