Cầm cuốn nhật ký đã phủ màu thời gian, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Quang chia sẻ: “Một cuốn sổ theo tôi trên chiến trường từ ngày bắt đầu nhập ngũ, tôi không nghĩ rằng tôi đang viết nhật ký mà là ghi chép lịch chiến đấu. Từng dòng ngày tháng năm, tôi cùng đồng đội đánh trận ở đâu, bắt sống bao nhiêu tên địch, thu giữ bao nhiêu súng đạn. Có khi phải xong trận đánh, tôi ngồi nhớ và ghi lại chi tiết trong cuốn sổ”.

Ông Quang nhập ngũ năm 1966 và ngay sau nhập ngũ, ông cùng đồng đội đã có những thắng lợi đầu tiên. Ngày 10-12-1966, ông cùng đồng đội đánh Mỹ tại đồi Chùa, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, diệt được 1 trung đội lính Mỹ và 1 trung đội ngụy.
Sau trận đánh này, ông được Quân đội giải phóng miền Nam (Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) trao giấy chứng nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ” với thành tích tiêu diệt 12 tên địch. Ông nói: “Khi tiếng súng đã nổ, chúng ta chỉ có con đường tiến lên, phải dũng cảm hơn, mạnh mẽ hơn để đánh đuổi Mỹ, ngụy”.

Ông Quang nhận nhiệm vụ Chính trị viên Tiểu đoàn 81 (Trung đoàn 94, Tỉnh đội Quảng Ngãi). Trung đoàn 94 có 3 đơn vị là Tiểu đoàn 81, Tiểu đoàn 83 và Tiểu đoàn 48. Ông Quang nói: “Chủ trương của tỉnh Quảng Ngãi là giải phóng phía tây huyện Bình Sơn. Ngay trong ngày 15-3-1975, Tiểu đoàn 81 đã họp và bí mật dàn quân, ra quân chiến đấu”.
Trong ngày 16 và 17-3-1975, tại trận đánh đồn Gò Sỏi (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn), Tiểu đoàn 81 đã tiêu diệt 1 đại đội địa phương và 2 trung đội dân vệ, đồng thời, phối hợp với Tiểu đoàn 48, phục kích, đánh địch, tiêu diệt 1 Tiểu đoàn Cộng hòa của Trung đoàn 5 thuộc Sư đoàn 2 của địch, tịch thu toàn bộ vũ khí, bắt sống nhiều quân địch.
Đến ngày 19 và 20-3-1975, Tiểu đoàn 81 tiếp tục đánh chặn quân địch từ vùng núi Trà Bồng tràn xuống, tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn biệt động. Đến ngày 24-3-1975, Tiểu đoàn 81 triển khai đào chiến hào, công sự, phục kích tại truông Ba Gò (xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn), mục tiêu cắt đường rút lui của địch, không cho địch rút về Chu Lai.

Ông Quang ghi lại trong cuốn nhật ký, thời điểm ngày 24-3-1975, rạng sáng ngày 25-3-1975: “Tiểu đoàn 81 đã diệt 500 tên, bắt sống 650 tên, thu gần 700 súng các loại, có hàng chục pháo. Thu giữ, bắn phá gần 300 xe quân sự, hàng trăm máy thông tin”.
Ông nói: “Từ giải phóng Quảng Ngãi, các địa phương khu vực miền Trung giành thắng lợi liên tục như giải phóng Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên… cùng với các tỉnh Tây Nguyên, cụ thể giải phóng Buôn Ma Thuột. Tình hình lúc này có thể gọi là cắt địch liên tục tại từng địa phương, khiến chúng dao động tư tưởng, không còn sức chiến đấu”.

Đến tháng 2-1976, ông lại mang ba lô cùng Trung đoàn 94 hành quân lên Tây Nguyên, tham gia trận chiến trên chiến trường Campuchia cho đến năm 1979.
Ngoài cuốn nhật ký, ông cũng lưu giữ rất nhiều tấm ảnh đen trắng và ông cũng trao tặng một số kỷ vật cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. “Tôi mong muốn thế hệ trẻ biết đến nhiều hơn về lịch sử đấu tranh dân tộc bằng những hình ảnh thực tế của những năm kháng chiến ác liệt. Một phần kỷ vật còn lại, tôi giữ cho riêng mình để luôn nhớ về đồng đội xưa”, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Quang chia sẻ.