Ở đèo Eo Chim có một "chợ" bán hàng được xây dựng đơn giản, bà con mang đặc sản đến bán. Nhưng không phải lúc nào chợ cũng có người bán, thời gian mở có thể sáng, trưa, chiều, có khi vài ngày không có người đến bán.
Một số người dân dựng sạp trước nhà để bán cho khách qua đường. Cuối tuần cũng là lúc các “chợ” đông đúc hơn vì người từ miền núi về đồng bằng nhiều, ghé lại mua chút quà gửi về xuôi.
Mùa này, người Cor ở huyện Trà Bồng đang thu hoạch trái kiên. Đây là loại đặc sản của bà con trồng trên vùng đất núi nên trái kiên được bán đầy ở các sạp hàng dọc đèo Eo Chim.
Trái kiên trông giống như trái dưa chuột ở đồng bằng, có màu xanh khi còn non và vàng khi chín. Người dân gieo hạt từ tháng 5 xen lẫn trong đồng lúa rẫy, sau đó “phó mặc cho trời”, không chăm sóc, không bón phân. Mưa xuống thì trái kiên lớn. Rẫy nào đất đá sỏi thì trái kiên nhỏ. Sau 3 tháng thì bắt đầu thu hoạch kéo dài cho đến khi rẫy hết trái kiên.
Dọc đèo Eo Chim, đặc sản này được người dân gói lại từ 6-7 trái/túi và bán chỉ có 10.000 đồng/túi. Người Cor bán giá này không đổi dù đã dựng sạp nhiều năm.
Đặc biệt, ở các “chợ” dọc đường này, có nhiều đặc sản chỉ có 10.000 đồng như ớt rừng, chuối rừng… và các loại đặc sản là đặc trưng "mùa nào thức ấy" trên miền núi.
Có loại đặc sản rừng luôn được bày bán quanh năm chính là măng tre rừng. Phụ nữ, trai tráng đi làm rẫy, lên rừng thấy bụi măng tre non liền cắt đem về bán, mỗi bụi măng tre có giá chỉ 5.000-10.000 đồng/gốc măng.
Những gốc măng đã cắt sạch, ngâm sẵn với muối cho vào từng túi, được bán với giá 10.000 đồng/túi. Quanh năm, mùa nào cũng có măng rừng mà bà con không tốn kém công sức để trồng trọt. Búp chuối xanh, đậu xanh, khổ qua rừng, rau dớn, ốc đá… và nhiều đặc sản rừng được bà con mang đến bán.