Nạp năng lượng tích cực
Mỗi cuối tuần, nhiều bạn trẻ tìm đến lớp học vẽ nằm ở cuối con hẻm đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh. Đây là nơi anh Nguyễn Anh Vũ (34 tuổi) xây dựng như một “căn cứ” để giới văn phòng sau giờ làm tìm đến thư giãn, nghe nhạc và cùng học vẽ màu nước. Mỗi lớp chỉ từ 6-8 học viên, cùng yêu cái đẹp và muốn chinh phục sự nhẹ nhàng mà tinh tế của nghệ thuật vẽ màu nước, nên ai nấy đều dễ kết giao, làm quen thêm bạn mới cho mình.
Không gian học vẽ thân thiện, thoải mái |
Chị Thanh Hằng (28 tuổi, nhân viên văn phòng) kể: “Tôi yêu thích và tự mày mò cách vẽ màu nước, sáp dầu, acrylic… Ngày chủ nhật, tôi đến lớp vẽ để có thầy hướng dẫn các kỹ thuật màu nước khó hơn. Vẽ với mọi người làm mình được cộng hưởng năng lượng, quên mệt mỏi dù phải ngồi gần 3 giờ. Thành quả cuối ngày, có khi chỉ là bức vẽ ổ bánh mì, dĩa cơm tấm, chậu hoa trên bàn… giản dị vậy thôi nhưng gởi gắm nhiều tâm tư của mình trong đó. Cứ vậy mà nghiện vẽ, nghiện pha màu, thể hiện mọi thứ theo tâm trạng của mình”.
Cũng như chị Thanh Hằng, các học viên tìm đến đây có người vì tò mò muốn thử, có người muốn tìm phút giây vui vẻ, cũng có người muốn có một không gian đẹp và yên tĩnh để tập trung vào từng nét vẽ như cách nạp lại năng lượng sau 1 tuần làm việc căng thẳng.
Từ khi biết vẽ, chị Đỗ Thị Cẩm Tiên (38 tuổi, giáo viên) dành hơn nửa thời gian rảnh của mình cho hội họa. Khi vẽ, chị thấy mình rất tập trung, làm chủ tâm trí, sống với hiện tại, không ngổn ngang những suy nghĩ rối rắm về quá khứ hay lo âu về tương lai. Dần dần, vẽ là cách chị chọn tìm đến khi có biến cố trong cuộc sống hoặc gặp chuyện không vui.
“Càng vẽ, tôi càng nảy ra các ý tưởng hay, muốn học nâng cao, bỏ thời gian tìm tòi nghiên cứu các bài vẽ, chất liệu màu… khiến tôi vui hơn rất nhiều. Ở Phú Quốc quê tôi, hội họa cho người nghiệp dư vẫn là gì đó rất xa lạ. Tôi ấp ủ nửa năm, lên giáo án, nhờ trung tâm dạy vẽ duyệt và mở được lớp vẽ thiếu nhi đầu năm nay. Tôi làm dự án này phi lợi nhuận, muốn trẻ em có nơi để sáng tạo, vui chơi, đem mỹ thuật đến gần hơn với người dân ở đây. Tôi hạnh phúc có thể lan tỏa sức mạnh chữa lành của hội họa đến những gia đình khác”, chị Cẩm Tiên chia sẻ.
Trong một con hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, phòng tranh “Ngôi nhà của Phật” tổ chức một buổi trải nghiệm vẽ Phật đản sanh. Không gian nơi đây nhiều cây xanh mát mẻ, tiếng nhạc thiền êm dịu, tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia lắng đọng những xô bồ trong tâm mình. Dưới sự hướng dẫn của họa sĩ, học viên bắt đầu cảm nhận từng dáng mắt, mũi, miệng, dáng người của Phật và đặt những nét bút chì đầu tiên. Chừng 1 giờ, mọi người hoàn thành phác thảo hình Phật đản sanh tay chỉ lên trời, đứng trên hoa sen, có người vẽ khuôn mặt bình thản an nhiên, người vẽ khuôn mặt tươi cười hoan hỉ.
Chị Lan Chi (29 tuổi, nhân viên văn phòng), một trong số nhiều học viên “tay ngang” ở đây, chưa bao giờ nghĩ mình có thể vẽ được màu nước. Nâng niu thành quả của buổi sáng chủ nhật, chị Lan Chi nói: “Tưởng ngoài tầm tay nhưng có họa sĩ hướng dẫn nên tôi thấy khá đơn giản. Cả buổi sáng tôi hoàn toàn tịnh tâm, vẽ bằng chánh niệm từng nét chì, nét màu, cảm thấy mình nhận năng lượng rất tốt, rất bình an từ workshop trải nghiệm này. Tôi định trưng tranh trong phòng mình để mỗi ngày được năng lượng tích cực, bình an”.
Tại nhiều lớp học, học viên được bắt đầu với những bước đơn giản và cơ bản: kỹ thuật chồng màu, phân tích màu từ tranh mẫu, tách lớp. Buổi học thứ 3, 4, học viên được tiếp cận với những cảm thụ sâu hơn: phân tích hình khối, hình dạng vật thể, phân tích ánh sáng chiếu vào vật, cách vẽ mẫu trong không gian, vẽ mẫu từ ảnh chụp… Từng bước, học viên có thể vẽ cây cỏ, hoa lá, món ăn. Trên tinh thần không quá quan trọng kết quả, vui là chính, nhưng khi kết thúc khóa học, đa số “tay ngang” đều ngạc nhiên vì đã có thể trang trí phòng hoặc tặng bạn bè những bức tranh mà cách đó hơn 1 tháng, họ không nghĩ mình làm được.
Đơn giản hóa cách tiếp cận mỹ thuật
Đến với các lớp học vẽ thư giãn, nhiều học viên ban đầu không tự tin vào “hoa tay” của mình. Đa số họ đều cho rằng, hội họa chỉ dành cho những ai có năng khiếu, được đào tạo bài bản để làm chuyên môn hoặc người có kinh tế dư giả mua tranh trang trí trong nhà. Thế nhưng, nhiều năm qua, nỗ lực tìm cách dạy vẽ cho người không chuyên của các lớp vẽ đã cho thấy mỹ thuật không xa lạ và ngoài tầm với như nhiều người vẫn nghĩ.
Họa sĩ hướng dẫn học viên phân tích màu tại một lớp học vẽ |
Họa sĩ Nguyễn Anh Vũ cho biết, với những kỹ thuật đơn giản, dễ hình dung, một người “tay ngang” có thể tạo ra 1 bức tranh tương đối, phục vụ mục đích trải nghiệm, giải trí, chứ không phải có tài năng hay đào tạo trường lớp chuyên sâu mới làm được. Để đưa ra bản giáo trình hoàn thiện, người đứng lớp phải trải qua nhiều lần thử và điều chỉnh dần những nội dung không phù hợp sau từng khóa học.
Anh Vũ kể: “Tôi thêm phần hướng dẫn mọi người cách pha màu. Nếu chỉ dùng những màu có sẵn thì tranh sẽ nhàm chán, lập bảng pha màu trên pallette sẽ giúp mọi người hiểu và chủ động tạo màu sắc sinh động, có tâm trạng, thể hiện đúng cảm xúc, đề tài hơn. Cũng có những kiến thức ban đầu tôi tham lam chia sẻ nhiều, nhưng nhận thấy làm học viên rối, không hiệu quả, không cần thiết, tôi đã tinh giản nội dung đó, chỉ tập trung những điều quan trọng thôi”.
Gặp biến cố trong lần đi phượt năm 30 tuổi, họa sĩ Huy Brain (Quang Huy, 39 tuổi, ngụ TPHCM) bắt đầu nghiên cứu sâu Phật pháp và vẽ tranh Phật. Quá trình tự mày mò học vẽ Phật của anh là một hành trình 9 năm qua rất nhiều bước: từ nhìn sao vẽ vậy đến tìm tòi, học hỏi ở tranh thangka (một trường phái tranh thể hiện những đề tài Phật giáo), vô tình gặp những câu miêu tả Phật rải rác khi đọc những quyển kinh cổ. “Nhưng học viên của lớp vẽ Phật thì không cần trải qua những bước kỳ công như vậy”, anh Huy Brain nói.
Phòng tranh Ngôi nhà của Bụt mới mở cửa hơn 1 tháng với các khóa vẽ chân dung Phật Thích Ca và Bồ Tát, lớp vẽ Phật theo phong cách chibi (phục vụ học sinh, sinh viên, bạn trẻ) và các lớp dạy kỹ năng vẽ Phật theo mẫu 1 ngày (phục vụ người muốn trải nghiệm) không quảng cáo, nhưng luôn kín chỗ đăng ký. Mỗi buổi học, họa sĩ sẽ giới thiệu nhiều tướng mắt, miệng, nhiều trạng thái khuôn mặt để học viên cảm nhận và thể hiện theo cảm xúc của mình.
“Thường tác phẩm sẽ mang nét cá nhân của từng người, hao hao giống người vẽ. Bên trong mỗi người đều có Phật, tác phẩm hoàn thành là Phật của chính họ, từ tay họ”, họa sĩ Huy Brain kể về học viên.
Với nhiều người, học vẽ như một cách bình tâm, rũ bỏ mệt mỏi trong lòng và tìm lại “đứa trẻ nội tâm” hồn nhiên, háo hức chinh phục những điều mới mẻ. Các lớp vẽ thư giãn hẳn là nơi lý tưởng cho người có nhu cầu tìm về, giải phóng cảm xúc sau những ngày làm việc căng thẳng và học cho mình kỹ năng sống tĩnh tại trong thế giới không ngừng thay đổi.
Bạn trẻ muốn tìm hiểu căn bản hội họa có thể tham khảo tại Mỹ thuật Bụi với các lớp dạy vẽ căn bản màu (1,2 triệu đồng/4 buổi), chì (900.000-1,2 triệu đồng/4 buổi). Sau khóa căn bản, có thể tham gia học vẽ phong cảnh, chân dung, ký họa… để trải nghiệm nhiều chất liệu hội họa khác nhau như màu bột, màu nước, sáp dầu, màu chì…
Yêu thích chất liệu nhiều thử thách như sơn dầu, màu nước có thể tham gia tại Mỹ thuật PPA gồm sơn dầu, màu nước, hình họa chân dung, acrylic (giá từ 2,5-2,8 triệu đồng/khóa/16 buổi), lớp vẽ Nguyễn Anh Vũ watercolor dạy màu nước (2 triệu đồng/khóa/8 buổi)...
Ngoài ra, muốn trải nghiệm vẽ tranh 1 ngày, có thể tìm đến Trung tâm Mỹ thuật Zest Art (360.000 đồng/tranh), Tipsy Art (440.000 đồng/tranh) hoặc vẽ lightbox (tranh trong hộp gỗ có trang trí đèn) tại Topitoday studio (550.000 đồng/sản phẩm).