Ông LÊ MINH TẤN: Gói hỗ trợ lần này hướng tới hỗ trợ hơn 7,3 triệu người dân có hoàn cảnh khó khăn, với mức 1 triệu đồng/người. Điểm mới của gói hỗ trợ lần này tính theo người, không tính theo hộ; hỗ trợ cả người thường trú, người tạm trú và cả những người lưu trú. Như vậy, bất cứ ai có hoàn cảnh khó khăn, đang ở thành phố là được hỗ trợ, trong đó bao gồm người lao động đang cách ly tập trung, đang trị bệnh… Qua thống kê, có hơn 2 triệu hộ dân (với hơn 6 triệu nhân khẩu) gặp khó khăn, hơn 53.5000 hộ nghèo, cận nghèo (khoảng 210.300 nhân khẩu), hơn 380.000 lao động bị ngừng việc, mất việc, hơn 550.000 người đang lưu trú ở thành phố… không còn thu nhập cần được hỗ trợ kịp thời để trang trải cuộc sống.
Gói hỗ trợ lần 3 với dự toán hơn 7.347 tỷ đồng được trích hoàn toàn từ ngân sách TPHCM, sẽ hỗ trợ 5 nhóm.
TPHCM liên tục triển khai các gói hỗ trợ và thực tế đã hỗ trợ rất nhiều nhưng vì sao vẫn có người phản ánh chưa nhận được hỗ trợ?
Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn phiến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, cuộc sống của nhiều hộ dân bị đảo lộn. Vì thế, số lượng người lao động gặp khó khăn liên tục phát sinh, tăng mạnh so với dự kiến ban đầu. Quá trình thực hiện hỗ trợ, TPHCM liên tục cập nhật, bổ sung và có điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo không bỏ sót bất kỳ ai có hoàn cảnh khó khăn.
Dù vậy, trong lúc thực hiện hỗ trợ, một số nhân lực ở các địa phương, một số cô chú làm ở khu phố, tổ dân phố bị mắc Covid-19 phải bàn giao cho người mới. Việc thực hiện nhiệm vụ không liên tục phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Hiện nay, vẫn còn một số hộ dân chưa được chi trả (2,2%), chủ yếu là người đang cách ly tập trung, đang điều trị tại cơ sở chữa bệnh và một bộ phận đã rời thành phố về quê.
TPHCM có giải pháp nào để đảm bảo người dân được tiếp cận nhanh nhất gói hỗ trợ lần 3? Nếu người dân chưa nhận được hỗ trợ trước thì có được nhận cả 3 gói hỗ trợ?
Về cơ bản, gói hỗ trợ lần 3 được hình thành từ danh sách nhận gói hỗ trợ lần 1, lần 2 và cập nhật, bổ sung các hộ khó khăn mới. Vì thế, các địa phương đã có danh sách và đang cập nhật thêm nên sẽ nhanh chóng triển khai hỗ trợ cho người dân, dự kiến chi hỗ trợ từ cuối tháng 9-2021. Các địa phương đang xây dựng kế hoạch chi tiết để chi hỗ trợ, mang tiền trao tận tay hoặc chuyển khoản tới người dân.
Chúng ta có cơ chế nào để giám sát chi hỗ trợ, đảm bảo ngăn ngừa tiêu cực?
Trong gói hỗ trợ lần 3, từng khu phố, ấp sẽ thành lập tổ công tác để kiểm tra, rà soát, đối chiếu các tiêu chí để xác định người có hoàn cảnh khó khăn thực sự. Sau đó, tổ chức bình nghị xét duyệt và danh sách gửi về xã, phường, thị trấn. Các xã, phường, thị trấn lập hội đồng xét duyệt với đầy đủ thành phần để xét duyệt và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, về tính chính xác danh sách người có hoàn cảnh thực sự khó khăn đủ điều kiện hỗ trợ. Từ đó, danh sách chuyển lên UBND quận, huyện, TP Thủ Đức thẩm định, phê duyệt và giao cấp xã chi hỗ trợ.
Việc lập hội đồng xét duyệt nhằm giảm áp lực cho tổ trưởng tổ dân phố, khu phố và cá nhân cán bộ chi hỗ trợ. Áp dụng cơ chế tập thể cũng là cơ sở để hạn chế thấp nhất cá nhân cán bộ, công chức sai sót hoặc người dân lợi dụng chính sách để trục lợi. TPHCM cũng sử dụng công nghệ thông tin để rà soát, loại trừ, lọc những trường hợp không thuộc đối tượng hỗ trợ (đang hưởng lương hưu, trợ cấp, tham gia BHXH và được người sử dụng lao động trả lương tháng 8-2021).
Danh sách hỗ trợ được công khai, minh bạch tại địa phương và trên hệ thống quản ý an sinh xã hội. Đối với những trường hợp phát sinh mới đủ điều kiện hỗ trợ đợt 3 thì không hồi tố chính sách hỗ trợ đợt 1, đợt 2. Chúng tôi đang xây dựng sơ đồ hóa người được hưởng chính sách của các gói hỗ trợ, theo hướng “chính sách nào - đối tượng đó”, không hồi tố, để xã, phường, thị trấn công khai, tạo đồng thuận trong nhân dân.
TPHCM đã giải quyết theo gói hỗ trợ của Chính phủ cho hơn 121.300 đối tượng với số tiền hơn 1.451 tỷ đồng. Gói hỗ trợ lần 1 của TPHCM đã hỗ trợ cho gần 484.000 trường hợp (hơn 372.000 lao động tự do; hơn 81.000 lao động tạm hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương và gần 10.000 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động) với số tiền gần 773 tỷ đồng. Gói hỗ trợ lần 2, TPHCM đã hỗ trợ gần 2 triệu trường hợp (gần 54.000 hộ nghèo, hơn 1,2 triệu hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn và hơn 660.000 người lao động tự do) với với số tiền hơn 3.200 tỷ đồng. Người dân chưa nhận được hỗ trợ có thể phản ánh tới tổ trưởng tổ dân phố, khu phố hoặc Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn nơi gần nhất. |