Cũng theo ông Vượng, từ năm 2010 đến nay đã có 7 lần thực hiện điều chỉnh giá điện. Lần gần nhất là cuối năm 2017.
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng thì năm 2018 phải có đợt điều chỉnh giá điện, tuy nhiên, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nên năm 2018 dù có nhiều biến động về chi phí tác động đến ngành điện nhưng giá điện vẫn không tăng. Song việc này “không thể trì hoãn được mãi”.
Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã rà soát các loại chi phí tác động giá điện.
Cũng theo ông Vượng, ngày 29-1 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng để nghe các bộ, ngành báo cáo về điều chỉnh giá điện. Sau đó, Thủ tướng đã quyết định cho điều chỉnh giá điện trọng quý 1.
Lý giải về việc tại sao giá điện tăng 8,36%, ông Vượng cho biết, nguyên nhân là do cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Những năm gần đây tốc độ triển khai các dự án lớn nhất là dự án điện than của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản… bị chậm nên để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trên 10%, ngành điện đã huy động các nguồn điện có giá cao từ khí, dầu, than, vì thế đã tác động lớn đến giá điện khi giá dầu, khí tăng cao. Cùng với tác động phí bảo vệ môi trường, tỷ giá… đã làm EVN tăng chi phí hàng ngàn tỷ đồng.
Trước câu hỏi về việc tăng giá điện lần này là cao hay thấp, ông Vượng cho biết, các đợt tăng giá điện trước đây thường là 6% trở lên (năm 2017 tăng 6,8%, có lần tăng trên 15% như năm 2010, 2011). Nếu tính toán đầy đủ, giá điện lần này có thể tăng gần 10%. Tuy nhiên, sau khi tính toán, Chính phủ cho phép giá điện tăng 8,36%.
“Trong tuần này hoặc tuần sau sẽ có quyết định cụ thể việc tăng giá điện”, ông Vượng cho biết thêm.
Theo Bộ Công thương, trước điều chỉnh, giá điện của Việt Nam là hơn 7 cent, sau điều chỉnh là gần 8 cent. Trong khi đó, giá điện các nước xung quanh như: Ấn Độ 8 cent, Trung Quốc 8 cent, Lào 9 cent, Indonesia 10 cent, Canada 11 cent…
Đánh giá về tác động, ông Vượng cho biết thêm, việc tăng giá điện lần này có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP giảm 0,22%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,29%.