Vi phạm liên tục
Ghi nhanh tại một số trang web chuyên kinh doanh hàng trực tuyến như Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn… cho thấy tại đây rao bán khá nhiều sản phẩm nổi tiếng (Hermès, Chanel, Dior, Calvin Klein) với mức giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng/sản phẩm.
Chẳng hạn, chiếc bóp nam Prada trên Lazada.vn có giá 11,6 triệu đồng/chiếc, bóp Louis Vuitton nữ cầm tay giá 11,07 triệu đồng/chiếc, túi xách Hermès Birkin da cá sấu bạch tạng 10,5 triệu đồng/chiếc, một số túi Hermès khác dao động từ 22 - 25 triệu đồng/chiếc… Người bán mập mờ cho biết, sản phẩm thuộc các thương hiệu nổi tiếng, có bảo hành, nhưng không cam kết hàng chính hãng.
Vừa qua, nhiều trang web trên liên tục bị phanh phui bán hàng giả, hàng nhái. “Thương hiệu lớn, giá vài chục triệu đồng/sản phẩm, nhưng thực chất chỉ là hàng fake (nhái) thôi. Hàng fake đủ cấp độ, nên giá bán cũng rất khác nhau”, Nguyễn Thị Ngọc Hà, chuyên bán hàng online Quảng Châu (Trung Quốc), nói.
Ông Trần Văn Sự, Trưởng ban Kiểm sát Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (VACIP), phân tích chiếc túi xách Hermès Birkin da cá sấu bạch tạng chính hãng khoảng 3 tỷ đồng/chiếc, nhưng không phải ai có tiền cũng mua được. Khách phải đặt hàng trước, có khi chờ đợi từ 5 - 6 năm mới có hàng, nhưng nhà sản xuất “soi” lịch sử mua hàng của khách rất kỹ và có quyền từ chối không bán sản phẩm. Ông Sự cho rằng: “Tiền nào của đó. Thay vì mua hàng fake giá vài chục triệu đồng, người mua vẫn có thể lựa chọn các thương hiệu trong nước với giá cả phải chăng, an toàn cho sức khỏe”.
Có điều đáng bàn, chính các trang web kinh doanh trên mạng đang cung cấp lượng hàng rất lớn cho người tiêu dùng từ Bắc vào Nam. Thế nhưng, làm sao để giám sát chất lượng hàng hóa, truy thu thuế… vẫn là dấu hỏi lớn. Gần đây, câu chuyện khách hàng liên tục mua trúng sách giáo khoa, bản đồ địa lý, tài liệu… trên mạng có lồng ghép “đường lưỡi bò” phi pháp là bài học đáng lo ngại.
“Mua một chỗ kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử khá dễ dàng. Các yêu cầu cam kết không bán hàng giả, hàng nhái chỉ mang tính thủ tục, nên vi phạm diễn ra thường xuyên. Nếu khách phản ánh thì người bán bị sàn giao dịch nhắc nhở, còn khách không phản ánh thì thôi”, anh Nguyễn Văn Yên (ngụ ở Đồng Nai), kinh doanh trực tuyến tại một sàn thương mại điện tử, cho biết.
Xử phạt không triệt để
Một cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ lý giải, môi trường kinh doanh trên internet rất khác môi trường kinh doanh truyền thống, nguyên tắc là ẩn danh. Người mua không biết tên tuổi, địa chỉ người chủ đứng ra kinh doanh hàng giả trên internet là ai, ngoài số điện thoại. Khách hàng giao dịch với họ thường thông qua hệ thống thanh toán điện tử, giao hàng bằng bưu điện hoặc các công ty giao hàng, thanh toán tiền qua ngân hàng… Cho nên, việc các cơ quan chuyên trách kiểm tra, phát hiện cơ sở sản xuất sản phẩm giả mạo qua internet không hiệu quả.
Câu hỏi đặt ra ở đây, chẳng lẽ thấy khó rồi buông? Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì mức phạt tiền cao nhất lên tới 1 tỷ đồng hoặc phạt tù cao nhất 5 năm.
Phóng viên đem thắc mắc hỏi một số lãnh đạo các cơ quan chuyên trách (quản lý thị trường, hải quan) rằng, từ đầu năm 2019 đến nay, có bao nhiêu trường hợp bị phạt tù vì kinh doanh hàng giả, hàng nhái, thì câu trả lời là “số trường hợp này chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Xử phạt xong xuôi, sai phạm lại đâu vào đó. Từ đó, dẫn đến câu chuyện trớ trêu là lần nào lực lượng Quản lý thị trường TPHCM ra quân kiểm tra các trung tâm thương mại (Saigon Square, Lucky Plaza, Taka Plaza…) cũng phát hiện hàng giả mạo.
Thống kê số liệu xử phạt hàng giả tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại từ đầu năm 2019 đến nay của Cục Quản lý thị trường TPHCM cho thấy số tiền xử phạt gần 2 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2018 gần 3 tỷ đồng. Nhưng trong số liệu này không đề cập tới việc xử phạt các trang web bán hàng trực tuyến.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt kiểm tra các mặt hàng giả mạo, gian lận thương mại nhằm ổn định thị trường. Lĩnh vực tập trung bao gồm cả kiểm tra trực tiếp các kho hàng, cũng như lần theo địa chỉ các điểm kinh doanh trực tuyến để xử lý sai phạm của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh…
Nhưng thực tế triển khai vẫn tồn tại nhiều bất cập vì hiện nay hàng hóa kinh doanh qua mạng nở rộ. Mà như đánh giá của một số doanh nghiệp thì những gì cơ quan chuyên trách phát hiện, xử lý chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Việc cần làm chính là siết lỗ hổng giám sát hàng hóa tại các sàn giao dịch điện tử mới hy vọng hạn chế tình trạng trốn thuế, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan như hiện nay.