Nhộn nhịp mua hàng giảm giá
Những ngày cuối năm, người tiêu dùng TPHCM tất bật mua sắm để chuẩn bị đón một cái tết sắp đến. Ghi nhận của phóng viên tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn cho thấy, những gian hàng quần áo, túi xách, giày dép, mỹ phẩm, bánh kẹo... những ngày gần đây đã sôi động hơn.
Đang chọn mua quần áo tại Co.opmart Văn Thánh, quận Bình Thạnh, chị Nguyễn Ngọc Ngà (ngụ quận 2) chia sẻ, chị chọn mua sắm quần áo thời điểm này bởi thấy loạt chương trình giảm giá hấp dẫn của hệ thống Co.opmart.
“Tôi thấy giá quần áo trẻ em, người lớn đều giảm mạnh nên đã chọn mua được ít đồ cho các con và bản thân”, chị Ngà cho biết. Trong khi đó, chị Trần Thị Thu, ngụ quận Thủ Đức, lại chọn mua sắm các mặt hàng đồ dùng thiết yếu cho gia đình. Theo chị Thu, nhờ được giảm giá 15%-50% chị đã tiết kiệm được khá tiền khi mua các loại bột giặt, nước lau sàn và đồ gia dụng trong dịp này.
Không chỉ tại Co.opmart, ở các hệ thống siêu thị khác như Emart Gò Vấp, Lotte Mart… lượng khách mua sắm gần đây cũng cải thiện rõ rệt, nhất là vào các ngày cuối tuần. Theo đánh giá của giới kinh doanh, việc giảm giá “mạnh tay” của các nhà bán lẻ cùng với sự cam kết đảm bảo chất lượng hàng hóa chính là một trong những yếu tố thúc đẩy sức mua tăng trở lại.
Không lo thiếu hàng, tăng giá
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, sức mua trên thị trường sẽ tăng 15%-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Theo lý giải của Vụ Thị trường trong nước, sức mua tăng do niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô khá tốt, cùng với thu nhập của người dân thời điểm cuối năm tăng.
Dự báo nhu cầu tiêu dùng của người dân về hàng hóa thiết yếu sẽ bắt đầu tăng cao vào 30, 31-1-2021 (rơi vào những ngày cuối tuần và nhằm ngày 18, 19 tháng Chạp âm lịch) và vào ngày 6, 7-2-2021 (25, 26 tháng Chạp âm lịch), do đó Vụ này đã lưu ý các nhà sản xuất, kinh doanh trong việc chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Tại TPHCM, với diễn biến sức mua gần đây có cải thiện song theo các doanh nghiệp (DN) sản xuất và nhà bán lẻ, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm không lo thiếu hàng hóa bởi DN đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ giữa năm. Cụ thể, mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Công thương về công tác chuẩn bị nguồn hàng tết, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cùng các DN trên địa bàn khẳng định đã hoàn tất mọi kế hoạch chuẩn bị, bảo đảm lượng hàng dồi dào, giá cả ổn định và được kiểm soát chặt về an toàn chất lượng. Trong đó có tính đến phương án sản xuất, kinh doanh, phân phối trong trường hợp dịch Covid-19 trở lại.
Đại diện lãnh đạo Sở Công thương TPHCM, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc - cho biết, từ tháng 6, sở đã làm việc với các DN về kế hoạch chuẩn bị hàng tết và đến nay các DN đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 2 tháng tết tương đương trên 19.679 tỷ đồng, tăng hơn 652 tỷ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020. Đặc biệt, Sở Công thương TPHCM còn xây dựng các kịch bản ứng phó cho những tình huống dịch Covid-19, bao gồm tình huống xấu nhất là dịch bùng phát trên diện rộng. Với các kịch bản có sẵn cùng việc liên tục cập nhật diễn biến mới của thị trường tết nên sẽ dễ dàng, kịp thời xoay xở trong mọi tình huống.
Đáng chú ý, các nhà phân phối lớn của thành phố như Saigon Co.op, Satra, Big C… ngoài chuẩn bị nguồn hàng phong phú còn luân phiên thực hiện các đợt giảm giá 5%-49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt... nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu cuối năm cho người tiêu dùng. Điển hình, nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết, các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile của Saigon Co.op sẽ rầm rộ giảm giá hàng ngàn sản phẩm dầu ăn, các loại gia vị (tương ớt, nước mắm, nước tương), bột ngọt, lạp xưởng, các loại bánh kẹo, nước ngọt, sữa…
Trong đó, đợt giảm giá đầu tiên áp dụng cho hàng sản phẩm bột giặt, dầu ăn, nước rửa chén, các loại nồi chảo, dụng cụ nhà bếp, các loại bánh kẹo, nước ngọt, sữa…. kết thúc vào 30-12-2020. Ngay sau đợt giảm giá này, Saigon Co.op sẽ tiếp tục thực hiện các đợt giảm giá mới để khách hàng có kế hoạch mua sắm tiết kiệm.
Có thể thấy, từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của DN cùng các nhà phân phối, dù sức mua có tăng đột biến thì lượng hàng hóa vẫn được đảm bảo cung ứng với giá cả ổn định, chất lượng đảm bảo.
Theo Sở Công thương TPHCM, cùng với sự chuẩn bị của các DN sản xuất, nhà phân phối thì 3 chợ đầu mối gồm: Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn dự kiến sẽ tăng khoảng 80% lượng hàng rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản về chợ so với ngày thường. Các chợ này cũng thực hiện tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập; tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá cũng như vấn đề về an toàn thực phẩm. |