0,5km “cõng” 4 lô cốt
Theo ghi nhận, hầu hết các lô cốt trên đường hiện vẫn đang dang dở và rất ngổn ngang, ảnh hưởng đến việc lưu thông và kinh doanh của nhiều người dân. Có những đoạn đường đang phải “cõng” rất nhiều lô cốt, khiến cho tình trạng ùn ứ giao thông càng thêm nghiêm trọng hơn. Ghi nhận thực tế tại tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) cho thấy dự án nâng cấp đường ở đây vẫn rất ngổn ngang. Chỉ tính từ chân cầu Thủ Thiêm đến chân cầu Sài Gòn, dù chỉ khoảng 0,5km nhưng đoạn đường này đang “cõng” tới 4 lô cốt. Lô cốt vây quanh, kéo dài đã và đang ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân khu vực.
Anh Tuấn, một người dân sống ở đây, cho biết, tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là vào những giờ cao điểm. Cứ tầm 18 giờ 30 đến 19 giờ lại có ách tắc giao thông, bởi lô cốt bao vây tứ phía, người dân không có chỗ để chạy xe. Ai cũng luồn lách, chen chúc nên giao thông luôn bị hỗn độn. Tình trạng lô cốt mọc nhiều trên cùng một tuyến đường cũng đang diễn ra trên đường Lương Định Của (quận 2). Mặc dù chỉ 1km, nhưng tuyến đường này cũng đang bị 3 lô cốt án ngữ. Lô cốt nằm ngay ngã ba đường Lương Định Của và đường 4-BK đã gây nhiều khó khăn cho người dân.
Theo ghi nhận, nhiều hàng quán ở đây đã phải đóng cửa do ít người qua lại. Người dân cho biết, quán phở, hủ tiếu, giải khát… bán hàng ngày là cần câu cơm chính của họ, nay phải tạm đóng cửa khiến cho cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chị Tú, sống ở chung cư Babylon 2, phản ánh từ khi dự án thi công trở lại thì việc lưu thông của người dân ở đây rất bất tiện, lối đi đã bị bịt kín. Bây giờ muốn đi vào nhà chị phải chạy vòng vòng gần cả cây số mới đến được. “Đáng lẽ, gần cuối năm các dự án nên thu gọn lại để tạo môi trường thông thoáng, an toàn cho người dân lưu thông. Đằng này, các dự án lại cứ ngổn ngang thế này thì rất bất tiện”, chị Tú bức xúc.
TPHCM là nơi có mật độ phương tiện lưu thông quá đông, nhiều tuyến đường chưa có lô cốt đã khó khăn khi di chuyển, nên việc mọc công trình thi công ở giữa đường khiến cho việc lưu thông khó khăn là điều đương nhiên. Không chỉ người dân, ngay cả lực lượng chức năng như CSGT cũng rất vất vả khi điều tiết giao thông tại các khu vực này. Đặc biệt, nhiều hộ dân trong khu vực có lô cốt thi công cũng than trời vì ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh, làm ăn của họ. Do lô cốt thường chắn ngay giữa đường, lề đường nên những hộ kinh doanh thường không thể làm gì được, mặc dù hiện nay là thời điểm cuối năm. Chính việc cấp phép cho nhiều lô cốt mọc lên trên cùng một tuyến đường và cho phép rào chắn đồng loạt tại các tuyến đường đã bít hết hướng lưu thông, dẫn đến kẹt xe bùng phát.
Cần chế tài mạnh hơn
Nhiều ý kiến cho rằng, để chấn chỉnh tình trạng thi công dự án kiểu “rùa bò” ảnh hưởng đến việc lưu thông và đời sống của người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các hình thức xử phạt. Mức xử phạt đối với những vi phạm này, hiện nay chủ yếu mới dừng lại ở xử phạt hành chính nên vẫn chưa đủ sức răn đe. Những công trình kéo dài không chỉ gây ách tắc giao thông, hạn chế việc làm ăn của người dân mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Những hoạt động này đã và đang đi ngược lại với kế hoạch xây dựng thành phố thông minh mà TPHCM đang hướng tới. Để giải quyết vấn nạn lô cốt phải có giải pháp tổng thể, loại bỏ tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp đồng bộ từ chủ trương, quan điểm đầu tư đến tổ chức thực hiện. Cần có quy định cụ thể trách nhiệm, quyền lợi và quyền hạn của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát. Mặt khác, thành phố cần tiến hành kiểm tra năng lực các nhà thầu chính cũng như nhà thầu phụ. Cần kiên quyết chỉ đạo loại bỏ những nhà thầu phụ không đủ năng lực, nhận thầu để bán.
Theo Thanh tra Sở GTVT TPHCM, đơn vị đã cung cấp danh sách các đơn vị thi công thường xuyên vi phạm trên địa bàn thành phố cho các chủ đầu tư để có các biện pháp chấn chỉnh, chế tài. Đồng thời thanh tra sở cũng tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định. Nếu các đơn vị thường xuyên để xảy ra vi phạm, tái diễn sai phạm, thanh tra sở sẽ rà soát và áp dụng các hình thức xử lý bổ sung thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ thi công hoặc kiến nghị Sở GTVT không cấp phép thi công. Thời gian qua, UBND TPHCM cũng đã có nhiều chỉ đạo đến Sở GTVT, UBND quận huyện để triển khai các biện pháp xử lý dự án chậm tiến độ. Cụ thể, UBND thành phố giao các đơn vị có liên quan chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu đang triển khai thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu đường bộ trên địa bàn thành phố phải chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Đồng thời có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công để rút ngắn tối đa thời gian chiếm dụng mặt đường. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin về tiến độ dự án để người dân và các cơ quan chức năng có thể giám sát.
Theo quy định, các công trình rào chắn trên đường phố cần phải treo bản điền đầy đủ thông tin (chủ đầu tư, nhà thầu, thời gian thi công, đường dây nóng...) để mọi người có thể dễ dàng giám sát. Thế nhưng, ghi nhận thực tế cho thấy rất nhiều dự án đã không thực hiện đúng quy định này. Nên mọi người không thể biết khi nào dự án hoàn thành và không biết đến khi nào người dân mới hết khổ vì nạn lô cốt? |