Tiếp diễn cuộc đua huy động vốn
Thị trường tài chính những ngày qua cho thấy, dù thanh khoản trên thị trường 2 (liên ngân hàng) rất dồi dào nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành 0,25%/năm vào trung tuần tháng 9-2019, nhưng tiền dư thừa trên thị trường 2 chỉ đáp ứng các nhu cầu tạm thời, không dùng để cấp tín dụng, nên tính liên thông với thị trường 1 (thị trường giữa ngân hàng thương mại với dân cư và tổ chức kinh tế) không cao. Do đó, giới chuyên gia cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành trên chỉ mang ý nghĩa tâm lý chứ không mang ý nghĩa là nới lỏng tiền tệ.
Theo thống kê từ các công ty chứng khoán, từ ngày 14 đến 18-10-2019, NHNN đã bơm ròng 2.505 tỷ đồng trên thị trường mở, cho thấy thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất tiếp tục giảm sâu xuống dưới mốc 2% với cả kỳ hạn qua đêm và một tuần.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm nhằm chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, cũng như giải quyết áp lực tái cơ cấu nguồn vốn theo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng thương mại đã lên đến gần 9%/năm. Nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 10% như Ngân hàng Bản Việt (10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng, lãnh lãi cuối kỳ; kỳ hạn 24 - 48 tháng, lãi suất 9,5% - 10%/năm); SCB cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 469 ngày, lãi cuối kỳ, lãi suất lên đến 8,9%/năm…
Khó giảm lãi suất
Theo phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán SSI, việc giảm lãi suất điều hành có thể giảm bớt áp lực thanh khoản trong giai đoạn cao điểm cuối năm, giúp lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định, nhưng khả năng giảm lãi suất trong quý 4-2019 là khá thấp vì dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong quý 4-2019 còn lớn, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại sẽ vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, nếu duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt như quý 3-2019 (có mức tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng), lãi suất huy động có khả năng sẽ giảm vào đầu năm 2020. Ông Phạm Hồng Hải, Hội đồng thành viên Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết với nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam dồi dào (ở mức khoảng 70 tỷ USD) và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất sẽ tác động tích cực lên tỷ giá.
Tuy nhiên, áp lực lên mặt bằng lãi suất VND sẽ vẫn còn vì các ngân hàng thương mại nhỏ hiện đang khát vốn nên đã tăng lãi suất huy động lên cao. Điều này sẽ tác động lên mặt bằng lãi suất chung của thị trường và các ngân hàng thương mại lớn cũng khó có thể giữ nguyên mặt bằng lãi suất.
Đánh giá về xu hướng lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2019, chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Trung Minh cho rằng, xu hướng lãi suất đầu vào đang nhích lên, nhất là đối với kỳ hạn dài. Song, lãi suất đầu ra khó có thể tăng mạnh, bởi nếu lãi suất tăng, các ngân hàng khó có thể thu hút được khách hàng vay vốn, kể cả với tín dụng tiêu dùng và cho vay mua nhà.
“Quyết định liên quan đến các mức lãi suất hiện nay là một trong những bài toán khó nhất trong việc điều hành chính sách tiền tệ để hài hòa lợi ích của người đi vay và người cho vay, hài hòa cả chỉ số lạm phát, hỗ trợ lãi suất cho người đi vay nhưng cũng phải đảm bảo lợi nhuận của các ngân hàng thương mại để giữ hiệu quả trong hoạt động. Từ giờ đến cuối năm, lãi suất sẽ không tăng, còn có giảm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết. |
“Từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó giảm, nhưng cũng không thể tăng cao”, ông Minh nhận định. Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại liên tục phát hành trái phiếu, chủ yếu để huy động vốn cấp 2 nhằm tăng hệ số an toàn vốn (CAR) và đáp ứng Basel II, nên mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ ổn định.
Bởi, NHNN đã giảm lãi suất điều hành hỗ trợ cho thanh khoản cũng như đưa ra văn bản “tuýt còi” các ngân hàng chạy đua lãi suất huy động. Hơn nữa, 9 tháng đầu năm, tín dụng chung của toàn ngành mới tăng trưởng trên 9%, nên từ nay đến cuối năm, để đẩy mạnh tín dụng nhằm đạt chỉ tiêu về doanh số và lợi nhuận, các ngân hàng không thể tăng lãi suất cho vay vì sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu của doanh nghiệp.