Chiều 14-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Từ năm 2016 đến năm 2019, ngân sách trung ương đã bố trí 22.850 tỷ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ y tế, đào tạo dạy nghề… Trong năm 2020, ngân sách trung ương bố trí cho chương trình 10.059 tỷ đồng. Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng dư nợ trên 18.600 tỷ đồng. Dự kiến, đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm từ 3,75% (năm 2019) xuống dưới 3%.
Ban chỉ đạo nhận định, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm vượt mục tiêu đề ra nhưng nhiều nơi còn cao trên 20%, có tỉnh miền núi còn trên 30%. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc; chênh lệch giàu - nghèo, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản (y tế, giáo dục…), thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ nay đến cuối năm 2020, các bộ ngành cần khẩn trương phối hợp tổng kết thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; sớm xây dựng, trình Thủ tướng ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.