Theo đó, có 12 đội từ các tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia cuộc thi. Các thành viên là những đại diện tiêu biểu của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp cơ sở của 12 tỉnh, thành phố.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 25-11 đến 1-12 tại TP Đà Nẵng, gồm 12 trận thi đấu vòng loại, 3 trận bán kết và 1 trận chung kết. Các trận thi đấu sẽ được ghi hình với thời lượng 30 phút/tập, dự kiến phát sóng từ đầu năm 2022.
Kết cấu cuộc thi được lấy ý tưởng từ Luật phòng chống thiên tai, sửa đổi bổ sung một số điều của Luật được Quốc hội thông qua và xuất phát từ hoạt động thực tiễn của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở.
Tại cuộc họp, theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, so với năm trước, cuộc thi năm nay sẽ lồng ghép vào những hình ảnh về vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển của Bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng).
Ban tổ chức đã nghiên cứu và khai thác triệt để đưa vào thiết kế trong mỗi vòng loại sao cho phù hợp, góp phần nâng cao sức hấp dẫn đối với người dân cũng như tính thực tế trong công tác tuyên truyền về phòng chống thiên tai.
“Trong quá trình thiết kế, chúng tôi nghiên cứu bố cục chương trình làm sao để người chơi - lực lượng xung kích các địa phương có những trải nghiệm tương đương gần với các tình huống thực tế trong thiên tai. Từ đó, họ tích lũy nhiều kỹ năng, kinh nghiệm qua cuộc thi, tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ từ “bị động ứng phó” sang “chủ động phòng ngừa””, ông Trần Quang Hoài cho hay.
Để phòng chống dịch Covid-19, số lượng tối đa tham dự không quá 20 người/1 trận đấu. Các đội chơi sẽ tập trung một địa điểm thuộc quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Trong khu vực này, các đội chơi sinh hoạt riêng biệt. Trong lúc thi đấu, ban tổ chức yêu cầu tuyệt đối không đi giao lưu, du lịch. Hầu hết các thành viên được tiêm chủng vaccine Covid-19 ít nhất 1 mũi. Ban tổ chức sẽ test nhanh âm tính với Covid-19 trước và sau khi các đội tham gia.