Cuộc thi viết Tết nay - Tết xưa: Những ký ức ngày tết

LTS: Sau hơn 3 tuần phát động, cuộc thi viết Tết nay - Tết xưa của Báo SGGP Online (sggp.org.vn) đã nhận được gần 500 bài dự thi của các tác giả trong và ngoài nước. Không khí tết Việt gắn với ký ức mỗi người là thứ cho dù cố gắng tái hiện cũng không bao giờ gặp lại. Đó là tổng hòa của màu, của mùi, của hình ảnh, của kỷ niệm và cả cái cảm giác của những người đang và đã lớn lên trên mảnh đất này. Những ngày tết đang thật gần, Báo SGGP xin giới thiệu đến bạn đọc 2 trong những câu chuyện thật hay…

Ảnh: TRỊNH TRÚC QUỲNH
Ảnh: TRỊNH TRÚC QUỲNH

Đi nhiều nơi, nhưng chỉ về nhà là ấm êm

Toronto (Canada), sáng 30 Tết...

Tôi bắt đầu công cuộc dọn dẹp nhà cửa, tự bật lên một danh sách nhạc tết, không có sự thúc giục của mẹ, cũng không nghe giọng bố tấm tắc khen cây đào đứng trả giá cả buổi, hay tiếng chặt gà dứt khoát, điêu luyện của bà; không có Khánh, không ai tranh giành cái chổi, lau nhà, cũng chẳng ai đùn đẩy việc rửa bát. Bất chợt, tôi lại nhớ…

Hà Nội, sáng 30 Tết…

Bố tôi chạy ra chợ hoa từ sớm, ngắm nghía cả khu vườn rồi mới chốt được một cây đào. Năm nay, bố cũng tâm đắc như mọi khi, cứ tấm tắc khen như chỉ mỗi bố mua được giá hời. Về đến nhà, thấy Khánh mở điện thoại kết nối bluetooth với dàn loa mới mua, bật lên một bản nhạc TikTok xu hướng trên mạng. “Đứa cái chổi, đứa cái giẻ, lau từ trên tầng xuống đây”, giọng mẹ tôi vọng lên từ tầng một, đan xen tiếng chặt gà của bà trên thớt, át tiếng nhạc giật giật. Và trên tầng thượng, ông tôi đang dọn dẹp ban thờ, đặt lên mâm cơm cúng, thắp nén hương mời các cụ về ăn tết cùng chúng tôi. Đó là những ký ức về mùa tết đoàn viên cuối cùng trong tôi. Ngót nghét cũng được 5 năm rồi.

18 tuổi, tôi rời nhà, đi du học cùng đầy hoài bão, niềm tin và niềm tự hào của cả dòng họ. Tôi vẫn nhớ những mùa xuân đầu tiên nơi xứ người. Nếu trước đây các cuộc gọi của bố mẹ hỏi mấy giờ con đi chơi về, có ăn cơm ở nhà không..., thì giờ tôi lại đóng vai là người kể chuyện, bởi có quá nhiều điều mới mẻ và thú vị với một con bướm vừa thoát ra khỏi cái kén. “Con vẫn ổn, mọi thứ đều đủ cả” - Những câu nói lặp đi lặp lại, để bố mẹ tin rằng tôi có thừa sự tự tin lao ra đời một cách đầy bản lĩnh. Tết với du học sinh chúng tôi cũng có bánh chưng xanh, nồi thịt kho, những bao lì xì đỏ và cùng hội bạn thân chơi ván bài đầu xuân; chỉ là không có gia đình.

Toronto, sáng 30 Tết…

...Mùa xuân năm ấy, tôi đã không kịp về chịu tang bà nội. Tưởng chừng như Việt Nam - Canada và mười mấy tiếng bay nửa vòng Trái đất là quá dài, nhưng rồi khoảng cách tôi và nội, giờ không đo lường được, tôi chỉ còn được thấy bà qua những tấm ảnh năm nào.

Những cái tết sau này, vẫn là mỗi người một việc, vẫn cố gắng lo đủ đầy, tân trang nhà cửa, mâm cơm giao thừa. Chỉ là cái sự đầm ấm đã khác đi, không cảm nhận đủ hương vị khi còn có bà. Tầm này ở nhà, mẹ đang làm cơm, bố quét mạng nhện và sơn lại tường, còn ông là người trông buồn nhất. Ông thắp nén hương trên ban thờ, dám chắc là không phải do khói hương bay vào mắt, là do sự nghẹn ngào lấp đầy. Ông rưng rưng: “Bà ơi, bà về ăn tết với tôi, với các con nha!”. Từng chữ thốt ra là từng giọt lệ rơi xuống gò má đầy nếp nhăn của người đàn ông ngoài 80.

Tôi tin là bà tôi sẽ về, về trong hương khói, về trong sự nhiệt tình mời gọi, niềm nở chào đón của gia đình. Còn tôi, bao giờ tôi mới về nhà? Mấy mươi năm cuộc đời, con người ta liệu còn về nhà được bao lần? Một lần không về nhà là bớt đi một lần được gặp cha mẹ trong cuộc đời ngắn ngủi này. Dẫu biết áp lực của người trẻ bây giờ là chạy đua với tuổi tác của cha mẹ, đâu biết có những cuộc hẹn, vô tình sẽ là những cuộc gặp gỡ cuối cùng. Cả năm bận bịu lo toan, chỉ mong sao đầu xuân mới mọi người được đoàn tụ ấm êm, không cần giàu sang phú quý, chỉ cần khỏe mạnh vui vẻ. Tôi mong lắm tới cái tết đoàn viên, tới cái tết về bên gia đình.

NGUYỄN MINH THÚY (Toronto, Canada)

Đón tết nay, nhớ tết xưa

Tôi từng có ý định chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, tuy nhiên sức lan tỏa và hiệu quả sẽ không bằng báo chí chính thống. May sao có cuộc thi viết “Tết nay - Tết xưa”, do Báo SGGP Điện tử tổ chức, tôi hy vọng đây là phép mầu cho tâm nguyện lâu nay.

Tháng Chạp năm 1989, trên chuyến xe khách về quê ăn cái tết đầu tiên của đời sinh viên may mắn được gặp “vị cứu tinh”. Đứng lẫn trong hàng trăm người đón xe gần ngã ba Trạm 2 (nay là cầu vượt Trạm 2, TP Thủ Đức - TPHCM), phải chờ rất lâu mới được lên một chiếc xe khách liên tỉnh, chạy tuyến Bến xe miền Đông (cũ) - Đà Nẵng. Ngày ấy, lượng xe khách rất ít nên cuối năm về quê rất khó tìm xe. Ghế ngồi trên xe đều đã kín chỗ, nên tôi phải đứng. Người phụ xe đến thu tiền cước. Anh cho biết sẽ thu của tôi 10.000 đồng cho lộ trình về Bình Định.

Lục tìm trong túi quần, tôi giật mình khi thấy “túi rỗng”. Số tiền ít ỏi 12.000 đồng dùng làm lộ phí đã “không cánh mà bay.” Ngẫm lại, tôi đoán nhiều khả năng bị móc túi trong lúc chờ xe. Thế nhưng, điều quan trọng nhất bây giờ là sẽ về quê bằng gì, khi không còn một xu dính túi. Tôi và nhà xe đều “lạ hoắc lạ huơ”, chuyện “ghi sổ” như ăn cơm ký túc xá chắc chắn khó xảy ra, vì họ cũng chỉ làm thuê “kiếm cơm”. Dịp tết, đông hành khách đi lại, dĩ nhiên sẽ luôn có người thay thế “chỗ đứng” của tôi. Nếu phải xuống giữa đường, tôi cũng chẳng biết về lại cơ sở 3, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) bằng cách nào. Không ngờ, một anh có ghế ngồi gần đó phát hiện được xui xẻo của tôi. Anh chủ động vừa đưa tiền, vừa nói với phụ xe: “Tiền xe của em tôi đây!”. Sự việc diễn ra quá nhanh. Chỉ trong chốc lát, tôi từ người lo lắng đã được thở phào nhẹ nhõm. Sau một hồi rưng rưng cảm động, tôi xin anh cho biết họ tên, địa chỉ để gửi lại tiền qua đường bưu điện. Anh cười nhân hậu: “Cứ yên tâm, anh cũng về Bình Định, sẽ còn đồng hành trên chặng đường dài”. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, tôi biết đây là kế “hoãn binh”. Anh còn đổi vị trí để tôi cũng được ngồi.

Nhiều hành khách trên xe cứ ngỡ chúng tôi cùng quê quen biết nhau từ trước, mà không ngờ rằng đã vô tình được chứng kiến chuyện “cổ tích giữa đời thường”. Chuyến xe khách năm ấy tiếp tục hành trình, chở hơn 50 người mang theo niềm vui sum họp, mang cả những tình người sẻ chia mà chẳng cần phân biệt lạ, quen. Xe vào một quán cơm gần ngã ba Thành (tỉnh Khánh Hòa) để hành khách dùng bữa và đón - trả khách. Tôi không ngờ rằng đó cũng là lúc anh âm thầm tạm biệt tôi. Anh mời tôi đĩa cơm thịt kho trứng, ăn xong anh nói đi rửa mặt rồi không quay lại nữa. Người phụ xe cho biết anh đã xin lấy hành lý (hồi ấy những kiện hàng cồng kềnh phải chất trên nóc xe), chỉ nghe anh nói rằng: “Đã đến quê tôi”. Hành khách lên xe hết, còn tôi, trong làn mưa xuân lất phất vẫn đứng nấn ná chờ anh.

34 năm qua, đã hàng chục lần tôi về quê và “khứ hồi”, từ những chiếc xe ghế ngồi ngày trước, đến xe giường nằm êm ái ngày nay. Mỗi khi xe dừng gần nơi anh xuống xe năm xưa, tôi đều cố gắng hỏi thăm người dân bản địa, song vẫn chưa có kết quả. Lúc trò chuyện trên xe, anh giới thiệu tên là Nghĩa. Do hoàn cảnh gia đình, anh đành nghỉ học sớm để lo cho mẹ và em gái. Ở quê việc ít, người nhiều nên anh vào Sài Gòn mưu sinh. Mỗi năm, anh chỉ về thăm nhà vào dịp tết để tiết kiệm chi phí. Tôi không ngăn được nước mắt khi hiểu rằng, bản thân cũng đang vất vả, nhưng anh sẵn sàng bỏ ra số tiền bằng rất nhiều ngày công làm việc, giúp một “người dưng” như tôi.

Tháng 4-2016, tôi được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mời đi thăm Trường Sa. Trên con tàu HQ-571 vượt sóng ra khơi, gặp nhiều bạn đồng hành ở Khánh Hòa, tôi tranh thủ hỏi thăm, mong tìm lại ân nhân, nhưng vẫn không ai biết. Nếu bài viết được đăng, tôi tin rằng dù ở đâu, anh Nghĩa đáng kính của tôi cũng đọc được. Tên tôi có thể anh quên, nhưng câu chuyện này chắc chắn không thể lẫn với muôn ngàn sự việc khác, dù trong cuộc đời anh đã ra tay “nghĩa hiệp” - như tên gọi của anh, giúp vô số người rơi vào cảnh ngặt nghèo.

THANH BÌNH (TP Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục