Khác với các năm trước, sau hơn 20 năm diễn ra với 6 lần tổ chức, cuộc thi Văn học tuổi 20 đã không tìm ra giải nhất. Thay vào đó, cuộc thi có tới 2 giải nhì, mỗi giải trị giá 50 triệu đồng, gồm: truyện dài Người lạ của Mai Thảo Yên và truyện dài Wittgenstein của Thiên đường đen của Maik Cây. Ngoài ra, cuộc thi còn trao 3 giải ba trị giá 30 triệu đồng/giải cho các tác phẩm: Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa - tập truyện ngắn của Hiền Trang, Sau những ngày mưa - truyện dài của Phạm Thu Hà và Yagon - Những kẻ vô cảm, truyện dài của Phạm Bá Diệp.
Cùng với đó là 4 giải tư trị giá 20 triệu đồng/giải gồm: Chuyến tàu nhật thực - truyện dài của Đinh Phương, Cửa sổ phía đông - truyện dài của Nguyễn Thị Kim Hòa, Độc hành - truyện dài của Nguyễn Đinh Khoa và Nhân gian nằm nghiêng - truyện dài của Đặng Hằng. Ban tổ chức cũng đã trao giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” trị giá 20 triệu đồng cho tác phẩm Cánh đồng ngựa của tác giả Nguyên Nguyên.
Theo PGS-TS Nguyễn Thành Thi, 1 trong 4 giám khảo của cuộc thi, nhìn từ kỹ thuật thể loại, cả truyện ngắn và truyện dài đạt giải cuộc thi đều có những tìm tòi thể nghiệm thú vị mà văn xuôi đương đại hư cấu cho phép. Kết quả cuộc thi cho thấy, thể nghiệm mới, giàu suy tưởng, mang hơi thở của cuộc sống đương đại… “Đó là những nét làm nên “thương hiệu” của cuộc thi Văn học tuổi 20 nói chung và lần này nói riêng. Tôi tin rằng, trong tủ sách của văn học Việt Nam, trong tủ sách của mỗi nhà, tủ sách của nhà trường sẽ có thêm những tác phẩm như thế”, PGS-TS Nguyễn Thành Thi chia sẻ.
Dù được đánh giá cao, nhưng việc Văn học tuổi 20 lần 6 không chọn ra được giải nhất là điều gây tiếc nuối cho những ai theo dõi cuộc thi này, nhất là trước đó, theo thông tin từ ban tổ chức, có đến 4 đề cử giải nhất được đưa ra. Liệu điều này có phải là dấu hiệu cho thấy chất lượng của Văn học tuổi 20 ngày nay đã không còn như trước? Theo ông Dương Thành Truyền, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, lý do chính là vì các tác phẩm ngang tài ngang sức. “Trong khuôn khổ cuộc thi này, giám khảo đã tranh luận với nhau rất nhiều, không có tác phẩm nào trội lên hẳn, thuyết phục ban giám khảo... Tôi cho rằng, khó lòng dùng kết quả để đánh giá chất lượng của cuộc thi”, ông Dương Thành Truyền nói thêm.
Có một thực tế là các tập truyện ngắn càng về sau càng ít được xướng tên tại Văn học tuổi 20. Nếu ở lần 1 và lần 2, tập truyện ngắn Quà muộn của nhà văn Nguyên Hương và Ngọn đèn không tắt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được vinh danh ở giải cao nhất thì sau này, các tác phẩm đạt giải cao hầu hết là tiểu thuyết và truyện dài. Đến lần 6, chỉ duy nhất tập truyện ngắn Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa của Hiền Trang đạt giải ba. Thực tế này đặt ra câu hỏi: Phải chăng, Văn học tuổi 20 đã không còn “chuộng” truyện ngắn?
Trước thắc mắc này, ông Dương Thành Truyền cho biết: “Theo tôi hiểu, trên thế giới, cái làm nên văn chương là truyện dài và tiểu thuyết. Người ta thích đọc ngắn nhưng chính truyện dài, tiểu thuyết mới thể hiện được nhiều nhất phẩm chất của nhà văn. Nói như vậy cũng không hẳn, nhưng đại ý là chính truyện dài với tiểu thuyết mới là tín hiệu vui cho văn chương”.
Về số phận của những tập truyện ngắn trong thời gian sắp tới, khi cuộc thi có sự thay đổi trở thành Giải thưởng Văn học tuổi 20, ông Dương Thành Truyền nói: “Cơ hội cho các thể loại vẫn ngang nhau. Truyện ngắn nếu xứng đáng thì vẫn trao giải. Việc truyện dài và tiểu thuyết áp đảo trong một cuộc thi cũng là bình thường thôi”.