HLV Mai Đức Chung không phải là nhân vật quá lạ lẫm sau những chiến tích vang dội cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Nhưng chính sự pha trộn giữa lòng nhiệt tình và hăng hái của một người thầy trên sân cỏ với trách nhiệm dạy dỗ, thương yêu của một người cha ngoài đời thường đã tạo nên một Mai Đức Chung thật đặc biệt và đáng trân trọng.
“Không phải để truyền cảm hứng hay gì cả, chỉ là tôi kể câu chuyện của tôi, nhưng có lẽ nó có thể xoa dịu nếu bạn chẳng may rơi vào hoàn cảnh giống tôi. Còn nếu bạn đang khỏe mạnh, thì mong câu chuyện của tôi sẽ tiếp thêm động lực cho bạn chân cứng đá mềm trước mọi biến cố của cuộc đời…”. Những dòng chia sẻ này, đọc qua dễ biết không phải của một nhà văn hay một cây bút 8X, 9X nào đó mới gia nhập giới văn chương. Mà theo tác giả Kim Loan, trong tác phẩm Mạch sống nghị lực, nó được kể và viết lại bởi một chàng trai trẻ đang phải chiến đấu với căn bệnh u não, đó là Tống Quang Anh (23 tuổi, tác giả cuốn sách không giá bìa Câu chuyện của tôi). Cho dù, Quang Anh không thể bước qua được giới hạn của cuộc đời mình, thì câu chuyện cùng cuốn sách của chàng trai trẻ người Hà Nội vẫn rung động rất nhiều độc giả trẻ.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện xúc động được kể lại trong lễ trao giải Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí “Người tốt - Việc tốt” lần thứ 2, năm 2020-2022, được Báo SGGP tổ chức chiều 21-6.
Qua 2 năm, cuộc thi đã tiếp nhận hơn 200 bài viết gởi về tham dự, với đa dạng thành phần tác giả: nhà báo, nhà văn, cây bút không chuyên… Từ những bài viết đã đăng tải, bạn đọc thấy được những con người nghĩa hiệp, dành sự quan tâm, chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn trong xã hội; những tấm gương giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời, để vươn lên, có vị trí trong xã hội; hay rất nhiều gương bạn trẻ, mang trí tuệ và khát khao đóng góp xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Trong đó, dòng thông tin chủ lưu về Covid-19 qua 2 năm đại dịch, xuất hiện rất nhiều tấm gương y, bác sĩ, những chiến sĩ, nhà hảo tâm tận hiến cứu người, giúp đỡ người bệnh đã kịp thời được phản ánh, tôn vinh trên mặt báo.
Phát biểu tổng kết cuộc thi, nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, nhấn mạnh, xã hội tốt đẹp luôn có những con người tốt đẹp, và cuộc thi của Báo SGGP đã góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đó đến cộng đồng. Việc lan tỏa các gương điển hình, việc làm tốt, hay bất kỳ giá trị sống tích cực nào cũng là cách để đấu tranh phản bác, ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu, độc hại đang ngồn ngộn hiện nay.
1 Giải Nhất:Tác phẩm Ông Chung “xe ca” của nhóm tác giả Phương Minh - Quốc Cường 2 Giải Nhì:1. Tác phẩm Mạch sống nghị lực của tác giả Kim Loan 2. Tác phẩm Những cầu nối yêu thương của tác giả Hoài Nam 3 Giải ba: 1. Tác phẩm Chị Ba Sương khởi nghiệp tuổi 70 của tác giả Lê Thanh Nguyên 2. Tác phẩm Ông Thoàn bỏng trả ơn đời của tác giả Phan Thảo 3. Tác phẩm Ước mơ xanh của cô gái Đà Lạt của tác giả Đoàn Quý Lâm 10 Giải Khuyến khích:1. Tác phẩm Gom tiền lẻ xóa trường tạm của tác giả Hoài Dương 2. Tác phẩm Người miệt mài đi tìm thanh âm vàng son của tác giả Thu Hà 3. Tác phẩm Những chuyến đi dài đến miền đất lạ của tác giả Lệ Loan 4. Tác phẩm Người anh hùng cả đời cống hiến cho khoa học của tác giả Hồ Hoa 5. Tác phẩm Những người thầy vác tù và giữa đại dịch của tác giả Tiêu Mỹ Hằng 6. Tác phẩm Mẹ Ngùy giữ bóng Hoành Sơn của tác giả Minh Phong 7. Tác phẩm Hơn cả chuyện cổ tích của tác giả Trần Lưu 8. Tác phẩm Cô Kiều của làng Gò Cỏ của tác giả Ngọc Oai 9. Tác phẩm Đóa hoa đẹp giữa đời thường của tác giả Quỳnh Lâm 10. Tác phẩm Hòa thượng mặc áo blouse của tác giả Văn Thắng |