Ngày 25-5 tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cùng lúc phát động 2 hoạt động lớn là “Cuộc thi và triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc” và “Cuộc thi và triển lãm Mỹ thuật Việt Nam”. Tuy nhiên, quy chế của 2 cuộc thi lại khiến nhiều người lo ngại sẽ không thu hút hoặc để sót những tác phẩm xuất sắc.
Tác phẩm hoành tráng khó có cơ hội?
Một trong những thể lệ gây tranh luận của 2 cuộc thi là giới hạn về kích thước, trọng lượng tác phẩm. Cụ thể như về hội họa, tác phẩm lớn nhất dài không quá 200cm, nhỏ nhất dài không dưới 60cm; nếu dài hơn 200cm thì phải gồm nhiều tấm để có thể tháo rời. Tác phẩm điêu khắc dài nhất không quá 150cm, trọng lượng không quá 100kg, với phù điêu thì dài nhất không quá 200cm…
Các tác phẩm trưng bày tại cuộc thi và triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020 |
Băn khoăn về những tiêu chí này, nhà điêu khắc Hoa Mỹ Đào cho rằng, như vậy là quá khắt khe và cần phải nghiên cứu lại, bởi với các tác phẩm được làm bằng những chất liệu như đồng, đá… thì việc vượt quá 100kg là khá bình thường.
Cùng chia sẻ băn khoăn, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho rằng: “Trong mỹ thuật, quy mô của tác phẩm cũng là một trong những yếu tố đem lại hiệu quả về thẩm mỹ. Do vậy nên chăng cần mở rộng cơ hội cho các tác phẩm dự thi bằng cách bổ sung vào quy chế là nếu tác phẩm dự thi có kích thước lớn hơn quy định thì tác giả cần chịu trách nhiệm về vận chuyển và trưng bày!”.
Giải thích về những thể lệ trên, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Ngô Tuấn Phong cho biết, do kinh phí tổ chức năm nay giảm chỉ còn một nửa so với trước đây, vì vậy mới có những hạn chế.
Song ông Ngô Tuấn Phong cũng nhấn mạnh, với những tác phẩm vượt quá khuôn khổ quy định, trong phạm vi năng lực, quyền hạn cho phép, ban tổ chức sẽ phối hợp hỗ trợ các tác giả trong việc vận chuyển và trưng bày.
Bảo hiểm cho các tác phẩm tham dự
Câu chuyện về sự cố hư hại, thậm chí thất lạc, mất mát các tác phẩm từ cuộc thi và triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 lại một lần nữa được đặt ra với ban tổ chức. Tại thời điểm đó, các tác giả có tác phẩm bị hư hại, thất lạc đã làm đơn xin rút tranh, thậm chí yêu cầu bồi thường với số tiền lên tới hàng chục ngàn USD, khiến ban tổ chức gặp nhiều khó khăn. Và buồn hơn, thay vì giới thiệu đến người dân yêu nghệ thuật bức tranh toàn cảnh về đời sống mỹ thuật, tôn vinh các tác phẩm xuất sắc của các nghệ sĩ sáng tạo thì công chúng chỉ biết đến cuộc thi và triển lãm do những ồn ào của vụ khiếu kiện.
Lo lắng về an toàn của các tác phẩm, nhà điêu khắc Hoa Mỹ Đào, Hội Mỹ thuật Việt Nam, đề xuất nên chăng có một ban tiếp nhận, kiểm tra, kiểm định chất lượng các tác phẩm khi tác giả gửi về. Đây là cách để xác định rõ trách nhiệm của tác giả - ban tổ chức cũng như để tránh những tranh cãi về sự toàn vẹn của tác phẩm khi gửi về dự thi, đặc biệt là những tác phẩm được làm bằng chất liệu dễ hư hại.
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh thừa nhận, có những phối hợp không tốt trong vận chuyển cũng như khâu tổ chức ở các cuộc thi và triển lãm trước đây. Rút kinh nghiệm đó, Cục trưởng Mã Thế Anh khẳng định, năm nay đã xây dựng những phương án tối ưu tránh những hư hỏng trong quá trình vận chuyển cũng như trưng bày tác phẩm.
“Sẽ quy trách nhiệm tới từng cán bộ trong quá trình phối hợp tiếp nhận và bảo quản tác phẩm nên các tác giả có thể yên tâm khi gửi tác phẩm về dự thi, trưng bày”, ông Mã Thế Anh nhấn mạnh.
Tại lễ phát động, nhiều câu hỏi liên quan tới hai cuộc thi vẫn còn bỏ ngỏ, song rõ ràng để hoạt động này thu hút sự tham gia của các tác giả uy tín, tác phẩm có chất lượng, nhằm đưa đến cho người xem bức tranh toàn cảnh về mỹ thuật Việt Nam, sẽ cần chỉnh sửa, thay đổi về quy chế.
Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 và tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM vào tháng 12-2023. Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc dự kiến sẽ khai mạc tháng 9-2023 tại Bảo tàng Hà Nội.