Lời răn đe
Các cuộc tập trận tác chiến đô thị, đổ bộ… được thực hiện với sự tham gia của 300 binh sĩ, tàu chiến đến từ 4 nước. Thông qua cuộc tập trận, Tokyo muốn củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng, trong đó có các đối tác ngoài đồng minh quan trọng là Washington, vào thời điểm an ninh tại khu vực có nhiều biến động.
Một trong những địa điểm tổ chức cuộc tập trận là tỉnh Nagasaki, doanh trại Ainoura của Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) Nhật Bản. Nơi đây có trụ sở của Lữ đoàn triển khai nhanh thuộc Lực lượng Hải quân Nhật Bản. Đơn vị này được tạo ra đặc biệt theo mô hình của Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ để bảo vệ các đảo xa. Căn cứ này nằm cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc chưa đầy 1.000km.
Các địa điểm khác để tổ chức diễn tập chung là khu huấn luyện Kirishima của GSDF trên đảo Kyushu, cũng như vùng biển và vùng trời của biển Hoa Đông.
Nói về cuộc tập trận, người đứng đầu Viện Nghiên cứu thế giới thuộc Đại học Takushoku (Nhật Bản), ông Takashi Kawakami, nhận định: “Cuộc tập trận chắc chắn là động thái răn đe cách hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực... Về lâu dài, cam kết của châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể dẫn đến mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản và NATO, điều mà cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ủng hộ”.
Yếu tố Pháp
Nếu trước đây, Nhật Bản chủ yếu dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, thì giờ đây, Tokyo và Washington thu hút được một đối tác châu Âu là Pháp. Thời gian qua, Pháp đã thể hiện rõ sự quan tâm đến những bất ổn về an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi cử tàu chiến tuần tra ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Pháp gọi hoạt động của các tàu chiến ở Thái Bình Dương là Chiến dịch Jeanne d’Arc 2021.
Theo giới quan sát, đây không chỉ là một chiến dịch huấn luyện mà còn là một phần trong chiến lược quốc phòng của Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược này nhằm tái khẳng định mối quan tâm của Pháp đối với khu vực bằng cách mở rộng hợp tác đa dạng.
Cuộc tập trận tại Nhật Bản là cơ hội để Pháp thể hiện sự ủng hộ với các nước tham gia tập trận về mục tiêu đảm bảo duy trì an ninh cho khu vực, nơi có Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu. Tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; đảm bảo hòa bình cho khu vực luôn là mục tiêu hàng đầu được các nước tham gia tập trận đặt ra.
Ngoài ra, Pháp cũng tăng cường tìm chỗ đứng của mình trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bởi Pháp có nhiều lợi ích ở khu vực này.
Thông qua sự xuất hiện của Pháp tại cuộc tập trận ARC21, nhiều chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, có thể nhiều cường quốc châu Âu cũng sẽ tham gia vào các hoạt động đảm bảo hòa bình và ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giúp khu vực này tránh được những bất ổn an ninh, góp phần đảm bảo an toàn cho thương mại toàn cầu.
Trả lời câu hỏi của các nhà báo về cuộc cuộc tập trận chung của Australia, Mỹ, Pháp và Nhật Bản ở biển Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Họ đang thực hiện những hành động như vậy để gây áp lực lên Trung Quốc, nhưng điều đó không có bất kỳ tác động nào đối với chúng tôi”. |