Stavanger được xem là thủ đô dầu khí của Na Uy, tự hào sở hữu những bãi cát dài để tắm nắng và khám phá Bắc Âu vào mùa hè. Gia đình chồng tôi theo nghề đánh cá. Khi bảo lãnh tôi sang đây, chồng tôi phải chứng minh thu nhập hàng năm đủ nuôi cả vợ. Dẫu vậy, tôi vẫn được đi học tiếng Na Uy, học nghề miễn phí. Nếu có sức học lên đại học sẽ được chính phủ cho vay tiền để theo đuổi ước mơ.
Vừa đặt chân đến Na Uy, nhân viên xã hội đã hướng dẫn tôi thông tin: nếu bị bạo hành, bị chồng đuổi ra khỏi nhà phải gọi ngay cho Hội Phụ nữ. Người của hội sẽ mang xe đến đón, sẽ hỏi xem trong tài khoản của tôi còn bao nhiêu, sẽ tạm ứng đủ chi phí trong vài ngày, sau đó Hội Bảo trợ xã hội sẽ tiếp nhận và lo cho tôi. Tôi có quyền yêu cầu thông dịch viên tiếng Việt cho mình trong các trường hợp đi bác sĩ, đến đồn cảnh sát, vào tòa án, kể cả khi họp phụ huynh cho con. Chi phí thông dịch viên tôi không phải trả. Những thông tin như vậy, các bước chuẩn bị, tư vấn kỹ lưỡng như vậy cho một người phụ nữ mới nhập cư Na Uy, chẳng bao giờ là thừa.
Tôi theo các khóa học tiếng, học nghề xong thì đời sống vợ chồng không còn hòa hợp. Trở thành mẹ đơn thân khi con còn nhỏ, tôi càng thấu hiểu tại sao Na Uy luôn đạt điểm cao nhất về tiêu chí đáng sống. Đó không chỉ là môi trường quanh tôi luôn tỏa ra thứ không khí trong lành, đời sống thanh bình. Đó không chỉ là tính cách hiền lành, tử tế của phần lớn người bản xứ. Đó còn là ở cách mỗi tế bào xã hội biết mình được hỗ trợ gì và phải đóng góp gì cho lợi ích chung cộng đồng.
Khi xảy ra dịch Covid-19, tôi trân trọng mỗi công dân ở đây nỗ lực tìm việc, làm việc. Họ vẫn làm việc chăm chỉ dù biết càng làm nhiều thuế càng cao. Làm thêm cuối tuần chính phủ đánh thuế đến 50%. Quỹ phúc lợi cứ đầy lên nhờ thuế. Chi phí gửi con ở nhà trẻ cũng tính theo phần trăm thu nhập của cha mẹ. Tôi là mẹ đơn thân thì được hỗ trợ khoản phí gửi con ngoài giờ học.
Từ khi dọn ra ở riêng cùng con nhỏ, tôi được nhận tối đa 11.500 Krone (khoảng 1.299 USD) tiền thuê nhà mỗi tháng. Các khoản hỗ trợ, tạm gọi là “thu nhập” một tháng của tôi để nuôi con, tương đương một người đi làm có lương khá hoặc hơn trung bình một chút ở Na Uy. Nhận trợ cấp xã hội có nghĩa bạn yên tâm đủ tiền sinh hoạt phí, thuê nhà, điện nước.
Ngoài số tiền chồng cũ phải phụ cấp nuôi con, khoản tiền hàng tháng nhà nước trợ giúp nuôi trẻ (kidslife) cũng tăng gấp đôi. Tôi không bắt buộc phải tìm việc ngay vì con chưa đến tuổi đi học chính thức. Nếu tôi vẫn muốn đi làm, và lương không đủ chi phí hàng tháng, khoản thiếu hụt sẽ được trợ cấp. Tôi cũng được phép rời chỗ làm sớm hơn để về đón con, vì trẻ em mỗi tuần chỉ học 3 ngày với khung thời gian từ 8 giờ 15 đến 13 giờ 45 và 2 ngày với khung thời gian từ 8 giờ 15 đến 12 giờ 45.
Tôi hiểu xã hội đã và đang trợ giúp tối đa cho tôi có đủ điều kiện cần thiết, an tâm nuôi dạy một đứa trẻ. Đó là quyền lợi. Nhưng trách nhiệm cũng song hành. Chi phí ở Na Uy rất đắt đỏ, thèm hương vị phở quê nhà thì phải trả khoảng 25 USD/tô nếu vào nhà hàng. Dĩ nhiên, ai cũng ý thức được rằng phải tích cực vận động hơn để có cuộc sống tươm tất hơn, ngay từ miếng ăn hàng ngày như vậy.