Cuộc sống mới ở Làng Nủ

Sau những đau thương, mất mát do lũ quét, sạt lở đất gây ra, với sự chung tay của cả nước, thôn Làng Nủ (ở xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đang hồi sinh mạnh mẽ. Một ngôi làng “hạnh phúc” đã và đang hình thành, mang theo rất nhiều ước vọng tươi đẹp về cuộc sống mới của người dân và chính quyền nơi đây.

Chung tay tái thiết

Thôn Làng Nủ là nơi sinh sống của 167 hộ, 757 đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Tày chiếm 98%. Rạng sáng 10-9-2024, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi), thôn Làng Nủ bình yên dưới chân núi Con Voi đã gánh chịu trận sạt lở đất và lũ quét, khiến 33 nhà dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 60 người chết, 7 người vẫn mất tích…

A5b.jpg
Đường vào khu tái định cư thôn Làng Nủ được đổ bê tông sạch đẹp

Trước tình cảnh đó, cả nước đã hướng về Làng Nủ. Quân đội, công an cùng các cơ quan chức năng huy động tối đa lực lượng tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân; người dân mọi miền đổ về hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để cùng người dân nơi đây vượt qua đau thương. Chưa đầy 48 giờ sau thảm họa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp vào Làng Nủ chia sẻ mất mát với người dân và động viên lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng về việc xây dựng lại Làng Nủ để người dân có nơi ở mới, sinh sống ổn định.

Việc tái thiết Làng Nủ được triển khai. Ngày 21-9-2024 khu tái định cư mới của Làng Nủ chính thức được khởi công tại đồi Sim, nơi có địa hình cao, rộng rãi, an toàn, cách thôn cũ khoảng 2km. Quy mô xây dựng giai đoạn đầu là 10ha, trong đó có 40 căn nhà được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày cùng công trình phụ trợ như bếp, nhà vệ sinh. Cùng với đó là 1 điểm trường với 2 phòng mẫu giáo, 2 phòng học tiểu học và nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống giao thông, điện, nước sạch… Tất cả đồng bộ, tiện nghi, đảm bảo cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài.

Bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Khánh, cho biết, hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng “Làng hạnh phúc” tại khu tái định cư Làng Nủ. Mục tiêu trong năm 2025, sẽ xây dựng Làng Nủ trở thành nơi đáng sống, ngày càng phát triển đồng bộ, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc...

Nhớ lại những ngày tháng “thần tốc” xây dựng Làng Nủ mới, Thượng tá Vũ Đình Dũng (Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc phòng), Chỉ huy trưởng công trình, cho biết, đơn vị đã điều động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ cùng 50 phương tiện cơ giới thi công liên tục suốt ngày đêm… Sau 68 ngày đêm bám núi, ngủ rừng thi công, vượt qua nhiều khó khăn khắc nghiệt của thời tiết và địa hình, sáng 15-12, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 40 căn nhà tại khu tái định Làng Nủ trên đồi Sim cho người dân và chính quyền địa phương trong niềm vui mừng khôn xiết của bà con.

Tinh thần đại đoàn kết

Những ngày cuối năm 2024, khu tái định cư Làng Nủ trên đồi Sim luôn nhộn nhịp và rộn ràng tiếng cười. Niềm vui mừng, hạnh phúc hiện rõ trong ánh mắt, lời nói của từng người dân nơi đây. Trong căn nhà mới khang trang, bà Hoàng Thị Nóng (67 tuổi) ngậm ngùi: “Gia đình tôi có 5 người thì lũ quét đã cuốn mất nhà và đứa con út. Từ hôm lũ quét tới nay, Đảng, Nhà nước, và địa phương rất quan tâm tới cuộc sống của chúng tôi. Bây giờ có nhà mới rồi, yên tâm lắm. Chỉ mong con cháu chăm chỉ lao động, sản xuất để cuộc sống ổn định, ấm no hơn”.

Trong trận lũ quét kinh hoàng, chồng đi làm xa, chị Nguyễn Thị Kim (27 tuổi) và con gái 3 tuổi bị nước cuốn đi, may mắn được người dân phát hiện, kéo lên nên thoát chết. Con gái bị xây xát, nhưng chị Kim bị thương nặng. Sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, chị Kim bình phục. Khi ra viện, chị Kim quyết định không làm nhân viên của một cửa hàng điện máy nữa mà xin vào đội tuyên truyền thông tin của xã Phúc Khánh. Chị Kim cho biết, với việc Làng Nủ mới được hoàn thành, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, nên chị muốn làm hướng dẫn viên để chia sẻ với mọi người tất cả ký ức khó quên về ngôi làng của mình từ xưa đến nay.

Tin cùng chuyên mục