Cuộc sống hành tinh bị đảo lộn hoàn toàn bởi Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 đang làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người dân trên khắp hành tinh, khiến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới đã bị phong tỏa. Do số người tử vong tăng nhanh, hàng triệu người phải làm việc tại nhà, thậm chí nhiều người mất hẳn kế sinh nhai.
Thủ đô New Delhi, Ấn Độ những ngày bị phong tỏa để chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: PTI
Thủ đô New Delhi, Ấn Độ những ngày bị phong tỏa để chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: PTI

Khoảng 1,7 tỷ người được yêu cầu ở trong nhà

Tính đến ngày 23-3, khoảng 1,7 tỷ người tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã được yêu cầu ở yên trong nhà, trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực đối phó với dịch Covid-19. Ít nhất 34 quốc gia như Pháp, Italy, bang California của Mỹ, Argentina, Iraq và Rwanda... đã áp đặt các biện pháp phong tỏa bắt buộc.

Ít nhất 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Burkina Faso, Chile, thủ đô Manila của Philippines, Serbia và Mauritania... đã ban bố lệnh giới nghiêm và cấm đi lại vào ban đêm. Trong khi đó, một số nước đã áp đặt các biện pháp cách ly tại các thành phố chính với quy định nội bất xuất, ngoại bất nhập. 

Từ 6 giờ sáng ngày 23-3 cho đến đêm 31-3 (theo giờ địa phương), toàn bộ vùng lãnh thổ thủ đô Delhi của Ấn Độ đã bị phong tỏa sau khi Ấn Độ thực hiện lệnh giới nghiêm theo lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi nhằm góp phần ngăn chặn dịch Covid-19. Cũng từ ngày 23-3, Saudi Arabia áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm. Đây được xem là biện pháp hạn chế mới nhất trong hàng loạt biện pháp chống dịch tại quốc gia vùng Vịnh này.

Dồn lực sản xuất thiết bị y tế

Ngày 23-3, Công ty Công nghệ y tế Philips của Hà Lan thông báo sẽ đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản xuất máy thở trong 8 tuần tới và tăng gấp 4 lần trong quý 3. Giám đốc điều hành (CEO) Philips Frans van Houten cho biết đã liên hệ với Draeger và Medtronic nhằm tăng cường sản xuất máy thở để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao.

CEO Philips cũng bày tỏ hy vọng tăng sản lượng các thiết bị y tế thiết yếu khác như máy theo dõi tín hiệu sự sống, hệ thống chẩn đoán hình ảnh và các giải pháp phần mềm dành cho các bệnh viện nhằm theo dõi và quản lý bệnh nhân được điều trị trong khu chăm sóc chuyên sâu.

Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk cho hay các nhân viên của Tesla và SpaceX, 2 tập đoàn khổng lồ của ông chuyên sản xuất xe điện và tên lửa đang làm việc cật lực để tìm cách làm ra máy thở cứu dân trong dịch.

Hiện tại Mỹ có 5 công ty “ngoại đạo” lao vào làm máy thở chống dịch là GM, Volkswagen, Ford, Tesla và SpaceX. Họ đều đã nói chuyện với Nhà Trắng hoặc cam kết xem xét vấn đề. Volkswagen đã lập ra một đội đặc nhiệm xem xét sử dụng máy in 3D để chế tạo máy thở cho các bệnh viện. GM đã bàn cách hợp tác với công ty làm máy thở số 1 nước Mỹ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Australia vừa ra thông báo khuyến cáo người Việt Nam tại nước này bình tĩnh, tránh hoảng loạn và chủ động phòng chống dịch Covid-19 đang bùng phát.

Trong bối cảnh chính quyền nhiều bang ở Australia đã ban hành lệnh đóng cửa biên giới bang, để có thêm thông tin về các quy định cập nhật về xuất nhập cảnh của Chính phủ Việt Nam và thông tin bảo hộ công dân trong thời kỳ Covid-19, bà con người Việt có thể truy cập vào website của Đại sứ quán Việt Nam tại Canberra: vietnamembassy.org.au; liên lạc qua số điện thoại: 0466 401 665; 0261694916; 02 616 94915; 02 61694917; trang Facebook Thông tin Chính phủ (https://www.facebook.com/thongtinchinhphu/) và website của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam: lanhsuvietnam.gov.vn. Hiện Australia có gần 300.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc và khoảng 20.000 du học sinh Việt Nam.

Ngày 23-3, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã ra thông báo về tình hình dịch Covid-19, khuyến nghị công dân Việt Nam tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của chính quyền nước sở tại. Đại sứ quán sẽ tổng hợp, phối hợp với các cơ quan chức năng của Indonesia và Việt Nam để lên phương án phù hợp hỗ trợ công dân.

Trong trường hợp cần sự hỗ trợ, công dân Việt Nam tại Indonesia có thể liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán là +62.8111.6025 (WhatsApp và Zalo), email: jakarta@mofa.gov.vn hoặc số điện thoại của Tổng đài bảo hộ công dân +84.981848484.

Tin cùng chuyên mục