Cuộc sống hang động ở A rem

Ông Đinh Nê (91 tuổi, ngụ xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã có 91 năm sống trong hang động. Vợ sau của ông, bà Y Rú, cũng theo vào hang sinh sống. Với các vật dụng sinh hoạt đơn sơ, họ sống khỏe mạnh, ốm đau có thảo dược rừng già chữa trị, không một lần dùng thuốc tây hoặc đi bệnh viện.

Hang Khe Chim, hang ở chính trong 10 hang đá ông bà Đinh Nê chọn ở. Ảnh: MINH PHONG
Hang Khe Chim, hang ở chính trong 10 hang đá ông bà Đinh Nê chọn ở. Ảnh: MINH PHONG

“Văn minh” hang đá

Nước của con suối Rục Cà Roòng xanh biếc dưới cái nắng 40oC, ông Đinh Nê di chuyển trên từng mỏm đá nhanh thoăn thoắt. Đã 91 tuổi nhưng ông đi rừng nhanh, khỏe, thanh niên trong bản không sánh bằng. Chúng tôi may mắn gặp ông sau một tuần tìm kiếm trong các hang động ven con suối, khi ông chuẩn bị về bản để tiếp thêm gạo, muối, nước mắm.

Cái hang chính của ông ở là hang Khe Chim, cách mặt suối khoảng 200m, có một lối mòn nhỏ dẫn lên. Ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, dẫn chúng tôi đi, cho biết: “Ông và bà Y Rú ở hang Khe Chim rất cao, vì mùa lũ nước lên lớn nên ông chọn cái hang đó để tránh lũ”.

img-20240526-133758-5692.jpg
Ông Nê cùng Bí thư Đảng ủy xã trong hang Rục

Bên trong hang động, ông Nê, bà Rú sở hữu một chiếc cối gỗ, hai cái chày dùng giã gạo nương hoặc làm món Pồi từ cây báng trong rừng. Bên trên ngách cao họ dựng một cái sạp, dùng cất các hạt giống. Để nấu ăn, trước đây họ dùng đá đánh lửa, nhưng nay mua bật lửa về dùng cho tiện. “Ở hang động cao còn tránh thú dữ nên rất yên tâm. Trước đây, muốn có muối thì đi theo các đàn khỉ, tới vách đá đoạn cuối con suối, có một vỉa muối rỉ ra, lấy về nấu canh. Nay muối có rồi nên không đi lấy theo cách đó nữa”, ông Đinh Nê cho biết.

Bên trong hang Khe Chim được quét dọn cẩn thận. Họ tự làm cối giã gạo bằng tay từ khúc gỗ lâu năm, nồi niêu vài ba cái xỉn màu, móp méo, bếp lửa mùa hè được dập tắt để tránh bị gió thổi cháy lan ra rừng và rẫy xung quanh. Đêm xuống, họ nấu cơm, ăn với muối cùng ớt rừng. Vậy mà đến nay đã 91 năm ở hang, ông Đinh Nê vẫn khỏe khoắn. Để di chuyển từ hang này qua hang khác, ông Nê cho biết: “Đóng gùi gạo muối, hai cái nồi và di chuyển tự do trong rừng”.

Ông tiết lộ có tới 10 cái hang và 15 cái lán để thực hiện cuộc sống “viễn xưa” bên trong rừng mưa Kẻ Bàng. Mỗi hang cách nhau đến cả ngày đi rừng. Ngoài gạo, muối, thức ăn tự tìm kiếm là ốc suối, cá khe, măng hoặc lá rừng vào mùa khô. Mưa gió, việc hái lượm hoặc săn bắt bằng bẫy khó hơn, vợ chồng ông Đinh Nê trở về hang chính để ở với lương thực dự trữ như bắp, sắn, gạo rẫy.

Sinh tồn theo cách riêng

Theo lời của ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, ông Đinh Nê và vợ biết rừng mưa Kẻ Bàng như chính cái hang của họ. Ở đâu có suối, có thảo quả để ăn, có con thú nhỏ để bắt, có cá để bủa lưới... là hai ông bà đều biết. Họ biết trong rừng già có các loại hoa quả như bưởi, cam, chanh, sả, thậm chí vải, nhãn... đơm hoa kết trái mỗi khi vào mùa và họ tha hồ thưởng thức.

$5b.jpg
Ông Đinh Nê sống trong hang và thường ăn cơm với muối

Trên thực tế, theo ông Đinh Nê, tổ tiên người A rem lấy hang động làm nhà ở trong các thung lũng, do đó cũng trồng những loại cây trái và hiện chúng còn tồn tại nên các loại hoa quả đó vẫn còn, dù không năng suất, quả nhỏ nhưng lại mọng nước. Ông Nguyễn Văn Đại cho biết, qua thống kê, ở rừng mưa Kẻ Bàng có 156 loài, trong đó nhóm cho tinh bột và quả gồm 91 loài, nhóm làm rau có 65 loài. Sâu bên trong rừng còn có cả trám, sấu, sim, chay cóc, xoài, xoay, bứa, dâu da... nên ông bà Đinh Nê, Y Rú đều sử dụng thuần thục, tự nhiên theo cách mà tổ tiên họ đã truyền lại. Trong khu rừng này còn có 54 loài cây vừa làm thuốc nhuộm vừa làm dụng cụ đan lát, nên với ông Đinh Nê, đó là nguồn vật liệu rất tốt phục vụ ở trong hang động, trở về nguyên bản của tổ tiên họ mà không vướng bận gì đến thế giới bên ngoài.

img-20240526-133723-3708.jpg
Ông Nê bìa trái ăn cơm với cán bộ xã ở hang Xai

Câu chuyện ông Đinh Nê lấy bà Y Rú làm vợ hai là kế thừa tục nối dây của cộng đồng A rem. Chồng Y Rú là ông Đinh Đe, anh trai của Đinh Nê. Năm 1994, ông Đinh Đe mất, ba năm sau Đinh Nê làm chồng Y Rú theo tục nối dây của bản. Lúc đó, Y Rú có 7 người con, nay đã lớn khôn và yên bề gia thất. Y Rú cũng đã 95 tuổi nhưng leo núi, vượt đá tai mèo vẫn còn vững chắc. Mấy hôm nay, bà phải rời hang về bản do cái chân bị đau, không theo ông được, còn ông vẫn ở lại hang. Cả 10 cái hang ông chọn ở đều là cái nôi mà bản làng A rem từng sinh sống từ thời viễn xưa. Trên một số vách hang còn khá nhiều dấu vết viết vẽ của trẻ con, thanh niên, người lớn về ý nghĩ của họ từ xa xưa. Họ vẽ những sinh hoạt, những tập tục của bản làng. Dưới đất còn một số mảnh đá như mảnh rìu còn vương vãi. Trong các hang động ấy, vẫn ám ảnh trí nhớ của ông Đinh Nê về những nghi lễ cầu nguyện ngày trước.

img-20240526-133612-5213.jpg
Dù đã 91 tuổi nhưng ông Nê đi rừng vẫn rất khỏe

Tin cùng chuyên mục