Cuộc sống gia đình rất cần sự san sẻ

Khoảng 20 giờ mỗi tối, chị Ngọc Mai (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) mới kết thúc một ngày làm việc tất bật. Suốt hơn 10 năm qua, bất kể nắng mưa, trừ chủ nhật, ngày nào chị cũng miệt mài như thế.

1. Chị Mai cho biết, chị đang làm tạp vụ cho 3 công ty. Trong đó, chị ký hợp đồng chính thức và được đóng bảo hiểm đầy đủ tại một công ty có trụ sở ở quận 12, cách nhà khoảng 5km. Ngay từ đầu, chị đã thỏa thuận làm ca sáng (6 giờ 30 đến 14 giờ 30, từ thứ hai đến thứ bảy) để có thời gian làm thêm, tăng thu nhập. Sau đó, chị nhận thêm công việc bán thời gian tại 2 công ty có trụ sở gần nhau ở quận 1 (TPHCM). Do các công ty này có quy mô nhỏ, muốn tiết kiệm chi phí nên không yêu cầu tạp vụ làm việc hàng ngày, vì vậy chị ký hợp đồng theo dạng dịch vụ. Kết thúc công việc chính, chị vội vã chạy xe máy khoảng 10km đến chỗ làm tiếp theo. Mỗi tuần, chị sắp xếp lịch làm việc xen kẽ các ngày chẵn lẻ để đảm bảo công việc dọn dẹp, vệ sinh từ 15 giờ 30 đến 19 giờ 30.

CN4 mai am.jpg
Lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tranh thủ nghỉ ngơi ít phút sau khi đã lau dọn toàn bộ bàn ghế cho nhân viên một công ty truyền thông trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1, TPHCM) khi họ tan làm, chị bộc bạch: “Công việc tạp vụ không quá vất vả hay nặng nhọc, nhưng lúc nào cũng phải luôn tay luôn chân vì có đủ thứ việc. Điều quan trọng nhất là phải trung thực, chăm chỉ, kiên trì, cẩn thận và nhanh nhẹn. Vì môi trường làm việc của tôi là các công ty, mỗi nơi có quy định khác nhau nên mình phải hiểu và chấp hành nội quy để tránh sai sót hay va chạm không cần thiết. Hiển nhiên, sức khỏe tốt là điều không thể thiếu”.

Chị Mai thừa nhận, mình chọn công việc này vì không yêu cầu bằng cấp hay trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, thời gian đầu, do chưa quen việc, tác phong, quy trình tại các văn phòng, chị chỉ làm cho một công ty. Chị xác định đó là giai đoạn vừa làm, vừa học các kỹ năng như quản lý thời gian, tổ chức công việc, quan sát và giao tiếp. Khi đã thành thục, chị mới chủ động đề xuất chuyển sang ca sáng và tìm thêm công việc tạp vụ bán thời gian ở những nơi khác. “Con cái đang tuổi ăn tuổi học, nếu không cố gắng thì không đủ chi phí trang trải, trong khi nhà còn phải thuê, hàng tháng đủ thứ phải lo. Chưa kể, trong gia đình, những chuyện giỗ chạp, hiếu hỉ cũng đến tay mình”, chị bộc bạch.

2. Sau đám cưới con gái đầu, chị Thanh Thủy (ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) sụt vài ký, khuôn mặt hốc hác thấy rõ. Vài tháng trước ngày cưới, chị tự tay lo mọi thứ, từ của hồi môn, trang trí nhà cửa, thực đơn đãi khách đến mời họ hàng. Trước lễ cưới 2 tuần, chị vẫn cố gắng đưa thiệp tận tay cho từng khách mời, dù đã báo trước qua Zalo.

“Thời đại công nghệ, nhiều người thông cảm, nhưng chỉ bạn bè xa mới mời online. Còn họ hàng, dù ở xa cách mấy cũng phải đến tận nơi, để không ai trách móc”, chị Thủy chia sẻ.

Trong đám cưới con gái, chị bận rộn như con thoi. Dù đã nhờ họ hàng phụ giúp, chị vẫn tự tay kiểm tra mọi thứ trước giờ nhập tiệc, dặn dò nhà hàng chuẩn bị món ăn đúng thứ tự. Chị cũng nhắc con gái trang điểm, thay đồ nhanh để kịp đón khách. Khi khách đến đủ, chị đi từng bàn cảm ơn, dù chưa kịp ăn gì. Tối muộn, khách vãn bớt, chị mới tạm thở phào nhưng vẫn lo chuẩn bị cho lễ rước dâu hôm sau.

“Cưới hỏi là chuyện trọng đại. Biết là ôm đồm, nhưng không tự tay kiểm tra thì chẳng yên tâm. Ai cũng biết, ma chê cưới trách”, chị Thủy tự an ủi.

3. Nhiều người có thể cho rằng chị Mai, chị Thủy “ôm rơm nặng bụng”. Các chị hoàn toàn có thể san sẻ trách nhiệm với chồng hay các thành viên khác trong gia đình. Sau đám cưới con gái, đôi lúc chị Thủy cũng chạnh lòng, cảm thấy mình luôn phải gồng gánh mọi thứ, nhiều khi stress mà không dám than thở. Chị thừa nhận, một phần do bản thân cầu toàn, nghĩ gì cũng có thể tự làm và không yên tâm khi giao việc cho người khác.

Những người phụ nữ như thế thường quên đi bản thân, chọn phần thiệt về mình, nhưng họ cũng cần được yêu thương, thấu hiểu. Đôi khi, chỉ một lời động viên, một sự quan tâm nhỏ cũng đủ sưởi ấm lòng họ. Gia đình chỉ thực sự bền vững khi có sự chung tay của tất cả thành viên. Gia đình nào cũng cần những trụ cột, không nên để “trăm dâu đổ đầu tằm”. Nếu chỉ một người gánh vác tất cả, liệu họ có thể trụ vững lâu dài? Người phụ nữ có thể là hậu phương, nhưng không thể là người duy nhất đảm nhận mọi trọng trách. Chia sẻ không có nghĩa là làm thay, mà là cùng nhau san sẻ để ai cũng có thể tận hưởng niềm vui và hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục