“Nhìn nhà lồng cá tan nát chỉ biết khóc”. Đó là chia sẻ của chị Lê Thị Xoang sống ở Khu 2 thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, Quảng Ninh, nơi tâm bão số 3 quét qua khiến nhà bè nuôi cá của chị bị đánh chìm hoàn toàn. Cả gia sản trôi theo nước biển, mất trắng hơn 1 tỷ đồng.
“Từ ngày bão qua đi, ngày nào cũng vậy, sáng sớm tinh mơ ra bãi nhìn bè cá tôi chỉ biết khóc, cả gia sản gom góp vay mượn tập trung vào đấy, không biết sẽ lấy đâu ra tiền để đầu tư lại bè mới”, chị Xoang ngậm ngùi. Chị hy vọng nhà nước có chính sách hỗ trợ để đầu tư làm lại.
Nhà bè nuôi cá của chị Lê Thị Xoang, sống tại khu 2 thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô bị bão đánh chìm hoàn toàn, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: QUỐC HÙNG
Chị Bùi Thị Nhung, sống tại thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, Quảng Ninh, một trong các gia đình khó khăn tại huyện đảo cho biết, 2 vợ chồng chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, thu nhập không được là bao, nuôi 6 người con ăn học rất vất vả. Hiện chưa biết lấy tiền ở đâu để sửa chữa tàu bị bão làm hư hỏng và tiếp tục nuôi đàn con thơ. “Tôi đang tính cho cháu lớn học lớp 9 nghỉ học đi làm để phụ giúp bố mẹ nuôi 5 em nhỏ chứ không còn cách nào khác”, chị Nhung khóc.
Tính đến ngày 15-9, nhiều trường học tại xã đảo Thanh Lân, Cô Tô vẫn còn trong tình trạng tốc mái, dột nước, cửa kính vỡ nát, cây cối trong sân trường bật gốc khi cơn bão quét qua. Sau 4 ngày, học sinh đã được đến lớp, gặp bạn bè và thầy cô vào thứ sáu 13-9.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Lân Phạm Thị Chung cho biết, nhiều dãy phòng học của trường tiểu học và THCS bị tốc mái hoàn toàn, kính ở hành lang vỡ vụn, cửa một số phòng học bị giật tung. Trường có 10 phòng học, bị hư hỏng 6, chỉ còn lại 4 phòng sử dụng được.
Theo số liệu của UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, sau khi cơn bão số 3 quét qua, toàn huyện có 25 tàu, thuyền bị chìm; 4 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn; khoảng 500 nhà dân bị tốc mái, trong đó nhiều nhà bị tốc mái hoàn toàn; hầu hết các trụ sở làm việc của huyện, xã, các ngành, đơn vị, trường học bị tốc mái, cây xanh trong khuôn viên bị gãy đổ hoàn toàn. Toàn huyện cũng ghi nhận 10 ha hoa màu bị thiệt hại, hơn 2.000 cây ăn quả (lâu năm) gãy đổ, khoảng 80% cây rừng bị gãy ngọn, mất hết lá. Không có thiệt hại, tai nạn về con người.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, Quảng Ninh, thông tin, ngay sau khi cơn bão số 3 quét qua đảo, chính quyền đã huy động các lực lượng, cùng bộ đội giúp người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp nhà cửa, đường sá. Đến nay, cơ bản đã thống kê được các thiệt hại về tài sản, đồng thời đang lên các phương án hỗ trợ cho người dân sớm nhất... Đến thời điểm này, cuộc sống thường ngày của đảo Cô Tô đang dần trở lại.
Trước những thiệt hại, mất mát lớn về người, tài sản và nhà cửa của người dân các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các huyện đảo đầu tiên siêu bão quét qua, đại diện Báo SGGP trực tiếp tặng tiền cho các gia đình bị thiệt hại nặng. Cụ thể, tặng tiền mặt cho 6 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 14 triệu đồng…
Nhằm khắc phục những thiệt hại sau bão, huyện huy động tổng lực các lực lượng để giúp dân sửa chữa tạm thời nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, cắt dọn cây đổ ven đường, để ổn định đời sống, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh. Huyện kiến nghị tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ thiệt hại về nhà cửa, phương tiện sản xuất cho người dân.