Tiếp tục nghề đánh bắt thủy sản
Hầu hết các hộ dân này trước đây ở đồng bằng sông Cửu Long, thời chiến tranh ly tán sang Campuchia, sống bằng việc thả lưới, quăng chài trên sông Tonle Sap (Biển Hồ Campuchia). Đến năm 1990, họ lần lượt vượt biên, trở về nước với mong muốn có cuộc sống ổn định, an bình. Men theo sông Vàm Cỏ, họ chọn hồ Dầu Tiếng làm nơi dừng chân vì nơi đây có nguồn thủy sản dồi dào, rồi dựng các bè trôi nổi trên sông để ở và đánh bắt cá. Làng bè ở hồ Dầu Tiếng được lập nên từ đó, với những căn nhà nhỏ lênh đênh trên mặt nước hồ, vách và mái làm bằng những tấm tôn mỏng gỉ sét.
Hồ Dầu Tiếng là một hồ nhân tạo lớn với chiều dài hơn 30km, được ví như “túi cá khổng lồ” của khu vực Đông Nam bộ. Trong hoàn cảnh không giấy tờ tùy thân và thiếu trình độ kiến thức, không thể tìm một công việc tốt, các kiều bào hồi hương này kiếm sống bằng việc đánh bắt thủy sản ở hồ Dầu Tiếng. Và rồi nhiều kiều bào sinh sống tại Biển Hồ Campuchia lần lượt kéo về hồ Dầu Tiếng, tạo thành một làng bè đông đúc.
Để tránh ô nhiễm môi trường và hạn chế tệ nạn xã hội, đầu năm 2004 chính quyền địa phương đã vận động các hộ ở làng bè lên bờ. 25 gia đình được bố trí ở một vùng đất bán ngập của lòng hồ, mỗi hộ được cấp 60m2 đất và hỗ trợ kinh phí cất nhà. Tuy nhiên, diện tích đất có hạn nên địa phương không thể giải quyết chỗ ở cho tất cả các hộ, trong khi dân số ngày càng tăng cao, nên có hàng chục hộ dân vẫn sống dưới bè. Cư dân vẫn kiếm sống bằng việc đánh bắt thủy sản ở hồ Dầu Tiếng.
Ông Hồ Văn Mâng (cư dân làng bè) chia sẻ: “Cha tui đánh cá, sống nhờ cá, giờ đến tui, tiếp đến là con tui, và cả xóm này cũng trông vào con cá. Công việc đánh bắt vất vả cả ngày, bắt đầu thả lưới lúc chập tối hôm trước, đến mờ sáng hôm sau mới kéo mẻ lưới đầu”. Sau những giờ lênh đênh trên sông nước, họ trở về nghỉ ngơi trong những căn chòi xập xệ của mình. Anh Lê So Le vừa đi kéo lưới về, kể với giọng thấm mệt: “Vợ chồng con cái 9 người sống chen chúc ở đây. Hôm nào mưa dột ướt thì cả nhà ngủ ngồi”.
Chưa có điều kiện an cư
Chính quyền địa phương đã cấp giấy tạm trú cho các hộ để thuận tiện việc quản lý. Tuy nhiên, do không có giấy tờ tùy thân nên họ chưa đủ điều kiện an cư. Ông Đặng Văn Bung (57 tuổi) than: “Tôi không rõ quê gốc mình ở đâu, chỉ biết cha mẹ mình là người Việt Nam, qua Campuchia sinh sống ở Biển Hồ từ năm 1960, khi tôi mới sinh. Nay tôi trở về Việt Nam, không giấy tờ chứng minh nhân thân, nên chưa được công nhận là công dân. Bây giờ, phải chứng minh nguồn gốc nhân thân và phải có tiền mua đất cất nhà có chủ quyền thì mới nhập hộ khẩu được”.
Trường học cách xa, đường đi hiểm trở, gia đình nghèo khó, nên nhiều trẻ em ở làng bè vẫn chưa được đi học hoặc đã phải bỏ học giữa chừng để phụ cha mẹ đánh bắt cá. Chị P.T. Nga tâm sự: “Tôi có 5 người con, nhưng không dám nghĩ đến việc cho con học đến nơi đến chốn, khi miếng ăn mỗi ngày còn thiếu thốn. Con trai lớn học đến lớp 5 đã phải nghỉ học đi làm, 2 đứa sau chắc cũng phải cho nghỉ luôn vì gia đình không có tiền thuê người đưa đón đi học. Muốn cho con đến trường, phụ huynh phải thuê xe ôm đưa rước con đi học mỗi ngày. Tiền xe ôm cao hơn cả học phí nên phụ huynh cũng ngán, đành cho con nghỉ học”.
Hiện nay, đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIV đang tiến hành cuộc khảo sát tình hình thực hiện chính sách đối với người hồi hương từ Campuchia về Việt Nam. Có thể ghi nhận, các địa phương đều quan tâm và tạo điều kiện cho người hồi hương từ Campuchia về nước ổn định cuộc sống. Điều rất cần là tháo gỡ vướng mắc về pháp lý giúp những trường hợp này có giấy tờ tùy thân để có thể rời làng bè, kiếm việc làm ổn định và an cư.