Trước cuộc bỏ phiếu đi đến quyết định đáng tiếc trên, năm 2012, UNESCO đã xếp Liverpool là “di sản thế giới đang bị đe dọa” sau những lo ngại về sự phát triển của dự án Liverpool Waters. Trong đó, bất chấp sự phản đối của các cơ quan bảo tồn, kế hoạch xây dựng sân vận động mới của câu lạc bộ bóng đá Everton trên một phần của các bến tàu cũ vẫn được phê duyệt xây dựng hồi đầu năm.
Theo UNESCO, dự án đã được tiến hành cùng với những phát triển khác cả bên trong khu vực và vùng đệm của nó, ảnh hưởng tới tính xác thực và tính toàn vẹn của khu vực di sản. Trước đó, năm 2004, Liverpool đã được trao danh hiệu Di sản thế giới với vai trò là một trong những cảng quan trọng nhất thế giới trong thế kỷ 18 và 19, cùng với vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của thành phố. Nơi đây cũng là minh chứng cho những phát triển tiên phong trong công nghệ cảng biển hiện đại, hệ thống vận tải và quản lý cảng.
Với quyết định mới nhất này, Liverpool trở thành địa điểm thứ ba trên thế giới bị loại khỏi danh sách di sản danh giá của thế giới, cho dù Chính phủ Anh tin rằng Liverpool vẫn xứng đáng được coi là di sản thế giới khi các bến cảng và thành phố rộng lớn này đã đóng vai trò quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử. Trước đó, thung lũng Elbe ở Dresden, Đức đã mất danh hiệu hồi năm 2009, sau khi xây một cây cầu bốn làn xe bắc qua con sông. Năm 2007, Khu bảo tồn động vật hoang dã ở Oman đã bị loại khỏi danh sách di sản thế giới sau khi không xử lý được nạn săn bắt trộm và làm mất môi trường sống tự nhiên.
Trong những thành phố di sản trên thế giới đang đứng trước nguy cơ mất danh hiệu, có thành phố “của những cây cầu” Venice (Italy). Năm 1987, UNESCO đã xếp Venice vào danh sách di sản thế giới, nhưng hồi tháng trước, tổ chức này cảnh báo chính quyền thành phố cần “quản lý du lịch bền vững hơn”, nếu không sẽ bị xếp vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa. Hôm 22-7, TP Venice của Italy đã tránh bị UNESCO xếp vào loại di sản thế giới bị đe dọa, vài tuần sau khi Italy quyết định cấm các tàu du lịch lớn di chuyển trong trung tâm thành phố nổi này. Tuy nhiên, Ủy ban Di sản thế giới đã ra hạn chót cho Chính phủ Italy, đến tháng 12-2021 phải báo cáo các nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái và di sản của thành phố này.
Nhiều năm nay, các nhà hoạt động đã kêu gọi chấm dứt việc cho các tàu du lịch đi lại qua quảng trường St Mark. Họ cho rằng, các khách sạn nổi khổng lồ này gây ra những con sóng lớn, hủy hoại nền móng của thành phố và ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái mong manh tại đây. Ngày 13-7 vừa qua, Chính phủ Italy đã ra sắc lệnh cấm các tàu du lịch lớn vào trung tâm Venice để bảo vệ hệ sinh thái và di sản của vùng đầm phá này. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 1-8 tới. Các tàu du lịch khác, nhất là các tàu nhỏ hơn, vẫn được cập cảng ở trung tâm thành phố. Các tàu lớn sẽ tạm thời chuyển đến cảng công nghiệp Marghera của TP Venice.
Thực tế cho thấy, ngoài vẻ đẹp cổ kính thì với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều di tích lịch sử đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi hoạt động của con người. Bị loại khỏi danh sách di sản danh giá của thế giới giờ đây không chỉ là nỗi lo mất danh hiệu mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các hoạt động bảo tồn di sản trên thế giới.