Ngày 16-11, truyền thông Anh cho biết Quốc hội đã nhận được đủ 48 kiến nghị và cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Theresa May sẽ sớm diễn ra.
Nguy cơ một “Brexit cứng”
Dự thảo thỏa thuận đã được nội các Anh thông qua, nhưng ngay sau đó sóng gió đã nổi lên khi lần lượt 4 quan chức cấp cao trong nội các gồm Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Thứ trưởng Suella Braverman, Quốc vụ khanh Bộ phụ trách vấn đề Bắc Ireland Shailesh Vara, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Esther McVey đều từ chức để bày tỏ phản đối. Tiếp nối là quyết định từ chức của Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Rehman Chishti.
Làn sóng từ chức của các bộ trưởng chủ chốt đã đẩy tiến trình Brexit lún sâu vào tình trạng bấp bênh và có thể dấy lên nguy cơ xảy ra kịch bản “Brexit cứng”. Trong thỏa thuận sơ bộ, bao gồm thỏa thuận “rào chắn” liên quan vấn đề biên giới giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) và CH Ireland thuộc EU, cho phép Anh ở lại liên minh thuế quan cho tới khi 2 bên đạt thỏa thuận thương mại. Phe ủng hộ Brexit lo ngại điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt mãi mãi trong Liên minh thuế quan EU. Các ý kiến chỉ trích cũng cho rằng Thủ tướng Theresa May đã nhượng bộ quá nhiều trong các lĩnh vực quan trọng khác…
Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 16-11 trên đài phát thanh LBC, Thủ tướng Theresa May nêu rõ, không chỉ Anh mà cả EU đã lùi bước trong quá trình đàm phán. Bà May vẫn bày tỏ lòng tin tuyệt đối đối với lộ trình Brexit mà Anh và EU đã nhất trí. Theo kế hoạch, các bên sẽ hoàn tất thỏa thuận Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh EU tổ chức vào ngày 25-11 tới và văn bản này sau đó sẽ được chuyển tới Quốc hội Anh để bỏ phiếu thông qua. Bất chấp những cảnh báo từ tất cả các đảng phái trong Quốc hội về việc dự thảo thỏa thuận sẽ không thể “qua cửa” cơ quan này, Thủ tướng Anh đã cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy văn bản trên.
Trước những ý kiến phản đối và chỉ trích thỏa thuận sơ bộ, bà May nhấn mạnh thỏa thuận trên bảo đảm tính toàn vẹn của Anh. Đối với lo ngại về việc Anh “mắc kẹt” trong liên minh thuế quan EU hậu Brexit liên quan tới điều khoản cho phép Anh ở lại liên minh thuế quan cho tới khi 2 bên đạt thỏa thuận thương mại trong thỏa thuận sơ bộ, bà May tái khẳng định nước Anh sẽ rời EU vào tháng 3 năm tới.
Xôi hỏng bỏng không?
Trong diễn biến mới nhất, trả lời phỏng vấn hãng CNBC ngày 16-11, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho biết vẫn có khả năng Anh thực hiện Brexit mà không đạt được thỏa thuận nào. Trước đó, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cảnh báo bất chấp đạt được dự thảo thỏa thuận giữa Anh và EU, triển vọng Anh rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào vẫn có thể xảy ra.
Cùng ngày, phát biểu tại một diễn đàn về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới đang diễn ra tại Paris, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cũng cho rằng những người ủng hộ Brexit cần chấp nhận thỏa thuận giữa Anh và EU hoặc đối mặt với nguy cơ của “một thảm họa kinh tế”. Ông Le Maire cho hay, trong trường hợp để xảy ra tình huống trên, chính người dân Anh sẽ là những nạn nhân trực tiếp. Còn Bộ trưởng Giao thông Pháp Elisabeth Borne cho biết, Pháp đang chuẩn bị nhiều biện pháp khác nhau, đặc biệt là các biện pháp kiểm soát hải quan và kiểm tra tại cảng, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận Brexit. Bà Borne khẳng định, Pháp đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là không có bất cứ thỏa thuận nào giữa Anh và EU về vấn đề Brexit. Theo đó, Pháp sẽ kiểm soát hải quan, kiểm tra thú y và kiểm tra tại các cảng.