1. Đại tá Trần Thịnh Tần nói, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên tại TPHCM đã lên kế hoạch đón 70 đại biểu là các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và người thân (vợ hoặc chồng) hiện sinh sống trên địa bàn TPHCM dự buổi gặp mặt. Tiếc là, chỉ 26 đại biểu đến dự được, số đại biểu còn lại do tuổi cao sức yếu nên đã không thể đến vui cùng đồng đội. Ông xúc động nói thêm, sau buổi gặp mặt lần này, có lẽ chúng tôi không còn đủ sức khỏe để gặp nhau thêm nữa. Có chăng, “theo dõi” nhau qua mục Tin buồn trên báo Quân đội nhân dân, Sài Gòn Giải Phóng… để tiễn nhau!
Nghe trọn lời bộc bạch từ vị đại tá tuổi đã ngoài 90, tôi và nhiều người trẻ có mặt trong buổi gặp mặt không kìm giữ được cảm xúc, những đôi mắt đỏ hoe. Dẫu biết đó là quy luật của muôn đời, không ai tránh khỏi, nhưng lắng nghe để rồi thêm cảm phục những người lính Cụ Hồ gạo cội của một thời vàng son tham dự chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc hội ngộ hôm đó, cả khán phòng lặng thinh nghe Đại tá Đinh Công Ty, Đại tá Trần Thịnh Tần phát biểu. Những kỷ niệm, nỗi lòng của các ông không mới so với những điều các cựu binh Điện Biên này đã từng nói, từng viết về một thời “bùn, máu và xương” để có chiến thắng vĩ đại cách nay 70 năm; nhưng mọi người vẫn chăm chú lắng nghe như lần đầu được nghe những thông tin ấy. Có nhiều ngõ dẫn đến cảm xúc đó. Nhưng có lẽ mạch nguồn cảm xúc lớn nhất khi người ta nghĩ về quy luật của tạo hóa. Các nhân chứng của Chiến thắng Điện Biên Phủ nay đã ở tuổi U100, thời gian sống bên con cháu và đồng đội chỉ còn tính bằng tháng, bằng năm. Những “bảo vật quốc gia” này sẽ về với tổ tiên. Và, cuộc hội ngộ lần sau tất nhiên sẽ không còn đông đủ như thế này.
2. Tôi nấn ná không muốn chia tay sớm, bởi cuộc hội ngộ là cơ hội hiếm có được gặp những nhân chứng lừng danh một thời. Vị đại tá gần tuổi 100 ngồi cạnh tôi là một trong những người trong tổ quân kỳ xông lên cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân đội ta trên nóc hầm De Castries cách đây tròn 70 năm. Cả vị đại tá bậc tiền bối của chúng tôi trong đoàn Cao Bắc Lạng (Trung đoàn 174) đã cùng đồng đội “máu trộn bùn non” đào chiến hào ngầm hàng chục mét đưa khối bộc phá 1.000kg nổ tung đồi A1. Ông kể, sau sự kiện ấy, đội quân nhà nghề Pháp kéo nhau ra hàng vì nghi Việt Nam có bom nguyên tử!
Được Đại tá Trần Thịnh Tần giới thiệu, tôi tìm gặp bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản, nguyên Chủ nhiệm Khoa phụ sản Bệnh viện Quân y 108 - phu nhân của cố Trung tướng Cao Văn Khánh (1917-1980), nguyên Đại đoàn phó Đại đoàn 308 Quân Tiên phong, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cách đây không lâu, tôi đọc tập sách đầy đặn: Tướng Cao Văn Khánh - hồi ức lịch sử do Cao Bảo Vân (con gái của tướng Cao Văn Khánh) ghi lại. Có nhiều chi tiết lần đầu tôi mới biết, tôi càng hiểu thêm cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng tài ba, đức độ này. Tôi nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ bên cạnh ông - cô sinh viên y khoa Nguyễn Thị Ngọc Toản xuất thân từ gia đình quan lại đã đi theo kháng chiến. Tình yêu của vị tướng trận và cô sinh viên y khoa thật lãng mạn. Lãng mạn nhất là đám cưới của họ diễn ra ngay trong hầm De Castries tại Điện Biên Phủ, khi cứ điểm chiến lược này của quân đội Pháp thất thủ chỉ vài ngày trước đó. Cô sinh viên y khoa xứ Huế với cá tính không lẫn vào đâu được nay đã là cụ bà tuổi U100. Trong bài viết “Vợ chồng tôi ở Điện Biên phủ” (Ký ức Chiến sĩ Điện Biên - NXB Quân đội Nhân dân, 2024, trang 183) bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản đã kể lại đám cưới “phi thường” ấy…
Tại cuộc hội ngộ “lịch sử” này, tôi còn nghe nhiều người nhắc đến tướng Lê Nam Phong, nguyên Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên tại TPHCM, với điển tích “đại đội trưởng đầu trọc” mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt cho ông. Chuyện kể rằng, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Lê Nam Phong là đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 88. Để tác chiến giáp lá cà với quân viễn chinh Pháp, Lê Nam Phong tự cạo trọc đầu và khuyến khích cả đơn vị cạo trọc để dễ tác chiến. Từ câu chuyện đào hàng chục mét giao thông hào trong đồi A1 đến cạo trọc đầu của Lê Nam Phong cho thấy quyết tâm như sắt đá của thế hệ cha ông để đánh đuổi kẻ thù ngoại xâm, giành độc lập tự do cho đất nước.
Không thể nào kể hết những con người, những câu huyện huyền thoại được nhắc nhớ trong cuộc hội ngộ. Nghe Đại tá Trần Thịnh Tần chia sẻ về hoạt động của Ban Liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên tại TPHCM sắp tới khi tuổi tác như hoàng hôn sầm sập, cả khán phòng như lắng lại, đượm buồn. Nhưng rồi mọi người vỡ òa, nhẹ nhõm khi anh Trần Kháng Chiến, con trai tướng Trần Tử Bình, một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội ta, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phát biểu: “Các cụ tin ở chúng con. Bằng mọi cách có thể, chúng con sẽ duy trì các cuộc gặp mặt cựu chiến sĩ Điện Biên tới đây. Đó là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu, tiếp sức cho chúng con tiếp tục con đường Bác Hồ và các bậc tiền bối đã chọn”.