Có điều, thực tế cho thấy, thể loại này vẫn chưa được giới chuyên môn đánh giá cao. Cuộc tọa đàm với tên gọi “Sci-fi: Cuộc gặp gỡ giữa khoa học và văn chương” với sự tham gia của nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và nhà văn Phan Hồn Nhiên đã phần nào giúp khán giả hiểu hơn thể loại này.
Theo nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng, thể loại văn học Sci-fi gồm 2 yếu tố cấu thành: Science và Fiction (mà trong nước vẫn quen gọi là văn học khoa học viễn tưởng). “Hiểu một cách nôm na, đó là những tác phẩm văn chương đi sâu vào những vấn đề có tính khoa học. Đó là những tác phẩm mà sự tưởng tượng, hư cấu dựa trên khoa học”, nhà văn Cao Đăng nói thêm.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên cho rằng, độc giả - nhất là nhóm độc giả nam rất quan tâm đến dòng văn học này. Hiện nay, dưới tác động của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin hay những trào lưu văn hóa khác, tác động vào nhu cầu thưởng thức văn học ở Việt Nam, dẫn đến nhu cầu đọc văn học Sci-fi tăng lên đáng kể.
Một trong những mối quan tâm của bạn đọc tại chương trình chính là về giá trị của dòng văn chương Sci-fi. Bởi lẽ, nhìn vào danh sách các giải thưởng văn chương danh giá trên thế giới như Goncourt, Man Booker, Pulitzer, đặc biệt là Nobel, hầu như chưa hoặc rất ít vinh danh các tác phẩm thuộc thể loại Sci-fi.
Theo nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng, không ít người cho rằng, văn chương Sci-fi đang trốn tránh thực tại và xếp ngang hàng với những thể loại như kinh dị, trinh thám, đọc để giải trí. Thế nhưng, vẫn có một số tác phẩm Sci-fi xuất sắc hoàn toàn không trốn tránh hiện thực, mà tác giả đặt ra những câu hỏi về bản chất con người, về thực trạng xã hội, những câu hỏi lớn về thiện và ác…
Theo nhà văn Phan Hồn Nhiên, có 2 chiều hướng: chọn yếu tố Sci-fi làm trung tâm và khuynh hướng thứ hai là muốn viết một câu chuyện, trong đó dùng khoa học, Sci-fi như một yếu tố trong tác phẩm. Với cảm nhận cá nhân, nhà văn cho rằng, chọn khoa học làm trung tâm sẽ hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, chị cũng lưu ý thêm: “Việc cân bằng giữa 2 yếu tố khoa học hay văn chương tùy thuộc mỗi tác giả. Quan trọng hơn là sự hấp dẫn của tác phẩm không nằm ở yếu tố có cân bằng hay không, mà là câu chuyện của tác giả kể có hấp dẫn hay không”.