Vĩnh biệt Thiếu tướng Phan Khắc Hy - cây đại thụ của Trường Sơn huyền thoại:

Cuộc gặp gỡ cuối cùng

“Vô cùng yêu quý, kính mến và thương tiếc Thiếu tướng Phan Khắc Hy - vị tướng cuối cùng của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn”, Đại tá Đinh Công Ty nghẹn ngào. Chiều 17-9, Thiếu tướng Phan Khắc Hy đã trở về với Trường Sơn huyền thoại, về với đồng chí, đồng đội thân yêu...

Trước đó, ngày 16-9, Đại tá Đinh Công Ty đến Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TPHCM) thăm Thiếu tướng Phan Khắc Hy như thường lệ. Vừa nhìn thấy ông, Thiếu tướng Phan Khắc Hy đã nói với con gái: “Chú Đinh Công Ty đến thăm đấy”.

Đại tá Đinh Công Ty không ngờ, đó lại là lần gặp gỡ cuối cùng với Thiếu tướng Phan Khắc Hy - thủ trưởng của mình trong những năm tháng chiến đấu ở "tuyến lửa" Trường Sơn.

r7b-5095.jpg.jpeg
Thiếu tướng Phan Khắc Hy cùng người dân ở Làng Ho tại ngày khánh thành ngôi làng mới trong chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức)

90 tuổi đời, trải qua bao đau thương khi chứng kiến đồng đội hy sinh trong nhiều trận đánh, Đại tá Đinh Công Ty trào nước mắt: “Thương tiếc quá, ông Phan Khắc Hy vừa nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cách đây mấy tháng. Ông ấy là chỗ dựa vô cùng lớn cho con cháu, cho đồng chí đồng đội trong Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh TPHCM”.

Nhớ lại quãng thời gian bắt đầu nhiệm vụ gắn bó với tuyến đường Trường Sơn, Đại tá Đinh Công Ty chia sẻ, năm 1954, sau khi tham gia trận đánh lịch sử đồi A1 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông về học lái xe và làm công tác giáo vụ tại trường dạy lái xe 255.

Năm 1965, trường dạy lái xe 255 được giao nhiệm vụ đặc biệt là tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn cao đi nhận 100 xe mới chở theo lương thực và vũ khí vào chiến trường miền Nam, ông là Chính trị viên Đại đội 5 của đoàn xe.

Đoàn xe có nhiệm vụ đưa xe và hàng bàn giao cho Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, bắt đầu thời gian ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tại tuyến đường này.

Trong thời gian Đại tá Đinh Công Ty là Chính ủy Trung đoàn xe 11, thuộc Binh trạm 32, Thiếu tướng Phan Khắc Hy bám rất sát tuyến đường.

"Là phó tướng trên mặt trận Trường Sơn khói lửa, chúng tôi thường xuyên gặp Thiếu tướng Phan Khắc Hy bất kể thời tiết, ngày đêm, luôn đến tận nơi kiểm tra tình hình", Đại tá Đinh Công Ty nhớ lại - hình ảnh vị tướng dũng cảm, uyên bác, luôn sống nghĩa tình với đồng đội và cấp dưới ùa về trong ông.

Theo Đại tá Đinh Công Ty, thời bình, Thiếu tướng Phan Khắc Hy vẫn luôn đau đáu những mất mát, những lời hứa với đồng đội năm tháng chiến tranh.

"Ông hóm hỉnh, hay cười hay nói nhưng nhiều tâm sự về Trường Sơn lắm. Ông ấy thường xuyên về thăm lại đồng chí đồng đội hy sinh, có nhiều chương trình hướng về thân nhân liệt sĩ và đặc biệt là nguyện vọng giáo dục tốt truyền thống cách mạng cho con cháu", Đại tá Đinh Công Ty nói.

Liên lạc với vài đồng đội để cùng đến tang lễ của Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Đại tá Đinh Công Ty rưng rưng nước mắt.

Giờ đây, những vị tướng huyền thoại, những người đồng chí đồng đội của ông đã lần lượt về với đất mẹ. Ông hy vọng, thế hệ trẻ sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng; tri ân và noi gương thế hệ ông cha.

"Lúc ở bệnh viện về, tôi có hẹn sẽ thăm ông Phan Khắc Hy vào dịp tiếp theo. Lời hẹn không thành, nhưng ông đã ra đi trong niềm tiếc thương, kính trọng và sự tri ân vô hạn của những người ở lại", Đại tá Đinh Công Ty xúc động.

Tang lễ Thiếu tướng Phan Khắc Hy tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão (phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM).

Lễ viếng từ 7 giờ ngày 20-9.

Lễ truy điệu từ 5 giờ ngày 21-9. An táng tại Nghĩa trang TPHCM.

Tin cùng chuyên mục