Chiều 4-7, tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM đã diễn ra buổi giao lưu giới thiệu sách Những ân tình trong đời của tác giả Nguyễn Trung. Sách do NXB Tổng hợp ấn hành, tập hợp những hồi ức đầy thương mến của tác giả dành cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng như những phận người bắt gặp trong cuộc sống.
Từng làm việc tại Phòng Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy nên tác giả Nguyễn Trung là gương mặt quen thuộc của đời sống văn hóa, văn nghệ thành phố mấy mươi năm qua.
Trong buổi ra mắt sách Những ân tình trong đời, rất nhiều tên tuổi trong giới văn nghệ của thành phố đã có mặt như: nhà thơ Lê Tú Lệ, đạo diễn Dương Cẩm Thúy, nhà thơ Phan Hoàng, nhạc sĩ Thế Hiển, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, TS Nguyễn Thị Hậu cùng đông đảo văn nghệ sĩ nhiều thế hệ đã gắn bó với tác giả.
Tác giả Nguyễn Trung ký tặng sách cho bạn bè và người thân Tác giả chia sẻ một cách chân thành và dung dị ở đầu cuốn sách: “Cuộc đời mình như một chuyến tàu, qua rất nhiều ga, gặp rất nhiều người. Mỗi vùng đất đi qua, những con người đã gặp đều cho mình những yêu thương vô bờ bến. Mình luôn ghi nhớ mãi những ân tình ấy”.
Từ tâm niệm “ghi nhớ mãi những ân tình” nên tác giả Nguyễn Trung khiêm tốn không dám nhận mình là nhà văn, và những điều tâm tình trong cuốn sách đầu tay được xuất phát từ máu, từ trái tim và từ tâm huyết ông gửi đến mọi người, không dám gọi là những sáng tác như của các nhà văn chuyên nghiệp.
Theo chia sẻ của tác giả Nguyễn Trung, ông có ý tưởng viết cuốn sách Những ân tình trong đời cách đây 3 năm. Khi đó, những chuyện xưa cũ bỗng nhiên trở về; ông nhớ đến bạn bè, đồng nghiệp kẻ còn người mất; rồi những vùng đất, những ngày tháng gian khổ, khó khăn hay những ngày công tác tại Phòng Văn học Nghệ thuật của Ban Tuyên giáo Thành ủy. Mỗi lần cảm xúc ùa về, ông vội vã lấy giấy bút ghi lại.
Phút ngẫu hứng của tác giả Nguyễn Trung và nhạc sĩ Thế Hiển tại chương trình ra mắt sách Tác giả Nguyễn Trung cho biết, bài ký sự Xe đò thời nay là bài viết đầu tiên. Hôm đó, nghe tin mẹ của một người bạn vừa mất, ông đi xe đò về dự đám tang. Trên xe đò, lòng ngổn ngang bao tâm trạng, ông bèn lấy điện thoại ra “tốc ký” rồi gửi cho bạn bè. Được bạn bè ủng hộ, tác giả Nguyễn Trung có thêm nhiều bài viết chứa đựng những cảm xúc về người anh, bạn bè, về những người yêu thương.
“Cuốn sách này giống như một sự tri ân của tôi dành cho bạn bè, đồng nghiệp và những người thân trong gia đình”, tác giả Nguyễn Trung bộc bạch.
Là người đọc cuốn sách Những ân tình trong đời từ khi còn là bản thảo, nhà thơ Phan Hoàng cho biết: “Đây là cuốn sách được anh Trung viết bằng tấm lòng của mình. Thành ra người đọc sẽ nhìn thấy ở đây không phải là một áng văn chương hay một tác phẩm xuất sắc. Thậm chí, có nhiều chỗ còn thô ráp. Về mặt câu chữ, nghệ thuật có thể còn nhiều vấn đề phải bàn. Tuy nhiên, về mặt ân tình, về tình cảm đối với bạn bè, đồng nghiệp, người thân, đặc biệt là đối với những số phận khuất lấp trong cuốn sách này thì đẹp và sâu sắc vô cùng. Vì vậy, tôi cho rằng đây là cuốn sách đáng đọc”.
Theo nhà thơ Phan Hoàng (trái), cuốn sách "Những ân tình trong đời" có ý nghĩa như một niềm cảm hứng để mọi người mạnh dạn cầm bút Ngoài ra, điều quan trọng nhất ở cuốn sách Những ân tình trong đời mà theo nhà thơ Phan Hoàng chính là tạo cho mọi người niềm cảm hứng viết sách.
“Với những người viết chuyên nghiệp thì không nói, nhưng đối với những người chưa từng cầm bút thì qua cuốn sách của anh Trung sẽ là nguồn cảm hứng để mọi người cầm bút, và có thể là viết một cuốn sách cho riêng mình. Mọi người đừng nghĩ rằng viết sách là một việc gì đó lớn lao, to lớn; trước hết là viết cho chính mình, cho bạn bè, cho gia đình mình và viết về cuộc đời này. Cuộc đời đã mang đến cho mình những điều tốt đẹp và mình chịu ơn cuộc đời này. Thành ra, ít nhất trong cuộc đời mỗi người nên viết một cuốn sách để trả ơn cuộc đời”, nhà thơ Phan Hoàng nói thêm.
Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM đến chia vui cùng tác giả Nguyễn Trung, cũng là một đồng nghiệp cũ Những ân tình trong đời dày gần 260 trang, với 24 bài viết đa dạng về thể loại; lúc là bút ký, có lúc là tản văn, tùy bút. Ở đó, độc giả bắt gặp tình cảm quyến luyến với những vùng đất mà tác giả đã đi qua như Nha Trang, biên giới phía Bắc, Nga, Indonesia... Hay những tình cảm dành cho những người thân như anh Hai, em trai, anh Thố, thằng Thắng...
Và còn đó là những hồi ức đầy thân thương về quãng đời thơ ấu trong các bài viết: Kim Liên Hà Nội yêu thương, Xóm nhỏ thân thương, Gặp ma… Tất cả đều được thể hiện bằng sự mộc mạc và dung dị mà có lẽ một khi đã cầm sách lên đọc, độc giả hẳn khó mà quên được ân tình của người viết cũng như ân tình của đời sống được tác giả Nguyễn Trung tái hiện trong cuốn sách đầu tay của mình.
HỒ SƠN