Nhấp ngụm cà phê Việt, James G.Zumwalt trở nên trầm lắng: “Cha tôi sinh ra ở Mỹ năm 1920. Mẹ tôi ra đời ở Trung Quốc năm 1922. Mẹ của bà là người Nga, cha của bà là người Pháp. Khi chiến tranh kết thúc, cha tôi đến Thượng Hải để giải giáp quân Nhật thì gặp mẹ tôi...”. Chuyện tình cô gái lai Nga và chàng trai Mỹ cuốn hút tôi. Và cuộc trò chuyện đi xa hơn điều tôi mong đợi.
* PV: Tôi thật sự ấn tượng trước vẻ đẹp của mẹ ông. Hôn nhân của ba mẹ ông chắc hẳn trên nền một chuyện tình lãng mạn?
JAMES G.ZUMWALT: Phải, rất lãng mạn, kịch tính, trước khi cưới và cả sau này. Mẹ tôi từng chịu đựng sự khắc nghiệt của chiến tranh trong những thập niên đầu đời khi mất cha và về sau còn mất một con trai cũng vì chiến tranh. Nhưng bà được an ủi vì được bao bọc trong tình yêu của cha tôi, đến suốt cuộc đời.
* Động lực thúc đẩy ông viết Chân trần chí thép là gì?
Đó là mọi thành viên nam trong gia đình đều tham gia chiến tranh Việt Nam. Năm 1980, anh tôi qua đời vì nhiễm chất độc da cam. Trớ trêu thay, chính cha tôi (Elmo Russell Zumwalt Jr.) là người ra lệnh phun chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam. Khi anh tôi qua đời, tôi đã rất phẫn nộ với cuộc chiến và cả với đối thủ của đất nước mình. Năm 1994, cha tôi đã hoạt động rất nhiều để giải quyết vấn nạn chất độc da cam. Ông được mời đến Việt Nam để tham gia một cuộc họp bàn về chất độc da cam với Chủ tịch nước Việt Nam lúc đó. Cha hỏi tôi có muốn theo ông đi Việt Nam không? Dù không muốn, cuối cùng, tôi cũng đi theo cha mình sang Việt Nam.
Trung tá James G.Zumwalt tặng sách My father, my son cho nhà văn Trầm Hương. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG |
* Chuyến đi đã làm ông thay đổi?
Chúng tôi ở lại đó một tuần và gặp những người đồng cấp tại Hà Nội. Trong những cuộc gặp đó, tôi cảm thấy sự căm giận lớn dần lên trong mình, cho tới ngày thứ ba, mọi việc thay đổi. Khi đó, tôi gặp riêng một bác sĩ quân y là ông Nguyễn Huy Phan (1). Đầu tiên, ông chia buồn về cái chết của anh tôi, rồi cùng bàn về cuộc chiến và ảnh hưởng của nó. Khi chúng tôi nói về chiến tranh, tôi để ý thấy hai mắt ông ngấn lệ.
Tôi được biết ông cũng mất một người anh trong cuộc chiến. Tôi không thể cưỡng lại ý nghĩ rằng tôi đã may mắn hơn ông tới mức nào, vì tôi còn được ở bên anh mình khi anh mất; tôi biết anh ra đi thế nào; tôi có thân thể của anh bên cạnh mình. Còn bác sĩ Huy Phan không được ở bên anh mình. Ông phải bỏ 17 năm ròng rã đi tìm và mang di hài anh mình về quê nhà. Cuộc gặp gỡ đó cho tôi thấy rằng, hai bên chiến tuyến đều có những khổ đau, mất mát.
Tôi đã tự hứa với lòng ngay lúc đó là sẽ có thêm nhiều chuyến sang Việt Nam, trò chuyện với nhiều quân nhân Việt Nam nhất có thể và với cả gia đình của họ; thu thập được những câu chuyện về những khó khăn và mất mát từ bên kia chiến tuyến. Đó là lý do tôi viết Chân trần chí thép với hơn 50 chuyến đi Việt Nam.
* Khi viết Chân trần chí thép, ông quá già dặn và trải nghiệm để đón nhận mọi thứ, cả những điều không mong đợi? Làm cách nào ông kết nối, gặp gỡ được nhiều nhân chứng ở Việt Nam mà ngay những tác giả bản xứ cũng khó thực hiện?
Có một khác biệt giữa những điều ta biết dựa vào những gì người khác nói và những điều ta thấu hiểu dựa vào trải nghiệm cá nhân, mà trải nghiệm là quan trọng hơn nhiều. Khi tôi bắt đầu những chuyến đi về Việt Nam để nghiên cứu cho quyển sách, điều làm tôi kinh ngạc nhất là, trong khi tôi không biết người ta sẽ đón nhận mình như thế nào, thì người Việt Nam rất nồng ấm, khiêm nhường và cho tôi cảm giác rất thoải mái khi tương tác với họ trong một môi trường thân thiện. Tôi có thể chia sẻ một trải nghiệm tại Việt Nam.
Có một số cựu chiến binh thật khó khăn để thiết lập quan hệ. Một trong những cựu chiến binh này là một đại tá về hưu. Chúng tôi sắp xếp một buổi phỏng vấn ông tại văn phòng một hội cựu chiến binh địa phương. Ông ấy đến trong một bộ quân phục và ngồi rất uy nghiêm. Tôi hỏi câu nào thì ông trả lời câu đấy rất ngắn gọn. Tôi cứ về Việt Nam và cứ lên lịch phỏng vấn ông. Ba, bốn lần phỏng vấn sau đó, ông cũng đều diện quân phục, ngồi thẳng đứng, trả lời cụt ngủn.
Cuối cùng, tới lần thứ sáu, ông ấy nói rằng: “Sao anh không qua nhà tôi?”. Tôi tới nhà ông. Khi nhìn thấy ông bận quần đùi áo thun, tôi biết vậy là mình cuối cùng cũng vượt qua rào cản. Nhờ anh Nguyễn Văn Phú kết nối với cựu Trung tá không quân Lê Thành Chơn, tôi mới có cơ hội phỏng vấn ông và những cựu binh khác.
* Làm cách nào ông khiến những nhân chứng mở lòng chia sẻ những điều rất thật, rất khó, cả những chuyện khá nhạy cảm, rất riêng tư trong khi ông từng là kẻ thù của họ?
Lúc đầu khá khó để người ta có thể cởi mở, nhưng tôi thường tạo thiện cảm và cố gắng không làm họ e sợ. Tôi nghĩ rằng một khi đã tạo lập được quan hệ, người ta sẽ dễ dàng cởi mở và trò chuyện thoải mái hơn. Ví dụ chúng ta đang ngồi trong căn phòng khách này, ở đây, cùng với bạn, con gái bạn và những người anh em cũng đã tạo được nhiều thiện cảm, nên mọi người cũng có thể cởi mở với tôi.
* Những việc làm của cha ông, gia đình ông, bản thân ông đã góp phần quan trọng vào sự hàn gắn quan hệ Việt - Mỹ. Ông nghĩ gì về sự thay đổi ở Việt Nam?
Tôi thực sự kinh ngạc. Tôi nhớ thời điểm 1975, Việt Nam phải nhập 2 triệu tấn gạo. Ngày nay, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê cũng nhất nhì thế giới.
* Quyển sách Chân trần chí thép ra đời đã được độc giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt nhưng người Mỹ, nhất là những cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, có thái độ thế nào? Họ đối xử với ông và quyển sách ra sao?
Nhiều người biết đến tôi qua quyển sách này. Họ tìm đọc, vậy là tôi thành công rồi. Tất nhiên là tôi phải đối mặt nhiều hơn, thẳng thắn nhìn vào những vấn đề nhạy cảm. Vì chất độc da cam là một vấn đề rất cá nhân với tôi, bởi cái chết của anh tôi. Và tôi tận mắt chứng kiến ảnh hưởng chất độc da cam tới Việt Nam. Rất nhiều cựu chiến binh bị ung thư. Tôi trở nên rất tận tụy trong vấn đề này, làm được gì thì tôi làm.
Tôi làm việc với bác sĩ Lê Cao Đài, người phụ trách Quỹ Da cam của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Họ thiết lập một ngân quỹ và tôi tìm cách vận động các doanh nghiệp Mỹ đóng góp quỹ. Những việc đó chúng tôi làm khá sớm trong vấn đề chất độc da cam. Hy vọng là có thêm nhiều doanh nghiệp nhận thức được vấn đề này và tiếp tục đóng góp.
* Khi tham chiến Việt Nam, mẹ ông có sẵn sàng cho quyết định của ông?
Mẹ tôi tôn trọng sự độc lập và chọn lựa của tôi. Nhưng cũng như bao bà mẹ trên thế gian này, bà không giấu được nỗi lo lắng, bất an. Bà bắt cha tôi hứa sẽ mang về cho bà những đứa con nguyên vẹn. Chúng tôi trở về, nguyên vẹn nhưng anh tôi không qua khỏi.
Một đứa con của anh ấy cũng có vấn đề về trí não, liên quan đến chất độc da cam. Các công ty hóa chất đã nói dối. Họ bảo cha tôi rằng việc tiếp xúc với chất độc da cam sẽ không gây ung thư cho con người. Họ đã không minh bạch rằng chất độc da cam được tổng hợp từ hai chất khác nhau, mỗi thứ một mình thì không có vấn đề gì, nhưng khi tổng hợp, lại tạo ra chất dioxin chết người.
Họ biết hết, nhưng vì quân đội cần, các công ty cứ thế thực hiện. Từ nỗi đau của mẹ tôi khi mất đi đứa con trai, tôi thật đồng cảm với nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam khi có quá nhiều những người con hy sinh, như bà Bùi Thị Mè. Một lần đến thăm bà, tôi đã lặng đi khi nhìn những bức ảnh 3 người con trai còn rất trẻ, rất đẹp của bà...
Xúc động, bàn tay ông run lên viết lời đề tặng tôi quyển sách My father, my son. Tôi nói với James G.Zumwalt: “Được gặp ông và gia đình, có cuộc trò chuyện chân thành, ấm áp trên nước Mỹ, tôi nghĩ mình không cần hỏi ông đã đến Việt Nam bao nhiêu lần vì tôi cảm nhận Việt Nam đã được nhân lên n lần trong trái tim ông. Nói cách khác, Việt Nam là một phần đời máu thịt của ông và độc giả Việt Nam thực sự biết ơn ông vì điều đó”.
Chân trần chí thép ra mắt lần đầu tại Việt Nam năm 2011, tập hợp thông tin từ gần 200 cuộc phỏng vấn do James G.Zumwalt thực hiện với các cựu chiến binh, người dân Việt Nam về cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam, James G.Zumwalt nói: “Tôi đến đây để chôn vùi cuộc chiến tranh chứ không phải ca tụng nó. Từ năm 1994 - lần đầu tiên quay lại Việt Nam sau chiến tranh, tôi nhận ra rằng những mất mát, đau thương do chiến tranh đều giống nhau, dù bạn ở phía nào. Tôi cũng nhận ra rằng người Mỹ thất bại trong chiến tranh tại Việt Nam vì không biết đang chiến đấu với một thế hệ người Việt Nam xuất sắc. Với những người Việt Nam tham gia cuộc chiến đó, tôi xin ngả mũ trân trọng những gì các bạn đã làm được”.
(1)GS-TS, Thiếu tướng Nguyễn Huy Phan là chuyên gia phẫu thuật tạo hình