Cuộc đua vào Nhà Trắng đã chính thức bắt đầu

Mặc dù đến ngày 4-11, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới được tổ chức rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, nhưng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008 đã chính thức bắt đầu từ ngày 30-9.

Theo pháp luật Mỹ, bang Ohio được tổ chức đăng ký và bầu cử sớm. Ngày 30-9-2008, tòa án tối cao bang Ohio và 2 thẩm phán liên bang đã giữ nguyên quyết định của Thư ký đảng Dân chủ Jennifer Brunner về việc cho phép các cử tri mới được đăng ký và bỏ phiếu sớm cùng một ngày từ 30-9 đến 6-10. Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, 1 ứng viên phải giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri.

Dư luận Mỹ nhận định Ohio là một bang quan trọng gồm có 20 phiếu đại cử tri có thể quyết định ai làm tổng thống một lần nữa. Mặc dù số người tham gia bỏ phiếu sớm không nhiều, nhưng diễn biến này đã làm nóng lên bầu không khí của cuộc chạy đua vào vị trí quyền lực cao nhất của nước Mỹ.

Trong suốt thời gian qua, cả 2 ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ và Cộng hòa đều chăm chỉ tới Ohio và chi hàng triệu USD cho các quảng cáo trên truyền hình lẫn đài phát thanh, qua hòm thư và thậm chí cả thư thoại bằng các cuộc gọi điện thoại tự động nhằm kêu gọi những người ủng hộ đi bầu cho mình. Ứng cử viên đảng Dân chủ B. Obama đang cố gắng cản trở McCain giành chiến thắng tại bang này, nơi mà cách đây 4 năm đã chọn Tổng thống Bush.

Kết quả thăm dò mới nhất do AP-GfK đồng tiến hành và vừa công bố ngày 1-10 thì các cử tri Mỹ cho rằng họ sẽ bầu cho ông Barack Obama làm tổng thống. Theo đó, ông Barack Obama đã dẫn trước đối thủ 7 điểm, với việc được 48% cử tri lựa chọn, trong khi con số của ông John McCain là 41%. Đây là lần trở lại dẫn điểm đầu tiên sau mấy tháng ông B. Obama bị vượt bởi đối thủ từ đảng Cộng hòa.

Trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính – ngân hàng, vấn đề kinh tế lại là đòn quyết định ai có thể giành thắng lợi trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng kế nhiệm ông Bush. Tuy nhiên, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại ở Mỹ cũng có thể tác động đến kết quả cuộc bầu cử.

Nước Mỹ đang cần thay đổi và cử tri Mỹ cũng muốn thay đổi lãnh đạo của họ sau 8 năm phải chịu những gánh nặng của các cuộc chiến tranh và những vấn đề kinh tế - xã hội.

Mặc dù hiện Obama có tỷ lệ thăm dò ủng hộ cao hơn McCain, nhưng các nhà phân tích nhận định cuộc chạy đua sẽ rất gay cấn. Cả 2 đều có những ưu thế của mình dù họ có sự tương phản nhau cả về hình thức lẫn quan điểm điều hành đất nước lớn nhất thế giới. Vẫn còn sớm để dự báo ai thắng cử.

Nguyễn Khắc Đức

Tin cùng chuyên mục