Nhà sản xuất thép Liberty Steel của Australia vừa ký hợp đồng trị giá 485 triệu USD với Công ty Thiết bị quốc tế Danieli, xây dựng một lò hồ quang điện mới (ảnh) thay thế lò than cốc và lò nung, với mục tiêu chấm dứt sử dụng than đá trong sản xuất thép ở thành phố Whyalla thuộc bang Nam Australia.
Ông Sanjeev Gupta, Chủ tịch điều hành của Liên minh GFG - công ty sở hữu Liberty Steel, cho biết, lò hồ quang điện sẽ mở đường để “thép xanh” và “sắt xanh” có thể xuất khẩu khắp thế giới. Theo ông, động thái này không những giúp khử carbon cho ngành thép của Australia mà còn cung cấp cho thế giới “sắt xanh”, khử carbon cho chuỗi cung ứng thép trên toàn thế giới.
Lò hồ quang điện là một phần trong kế hoạch của Liên minh GFG nhằm sản xuất sắt và thép không phát thải khí carbon. Lò mới sẽ nâng công suất sản xuất thép tại Whyalla từ 1 triệu tấn/năm lên hơn 1,5 triệu tấn/năm.. Ông S.Gupta cho biết, lò này có thể giúp giảm 90% lượng khí thải của nhà máy thép ở thành phố Whyalla vào năm 2025. Hơn thế, việc sản xuất sắt và thép xanh sẽ tạo thêm 1.000 việc làm lâu dài cho thành phố cùng hàng ngàn việc làm trong quá trình xây dựng lò hồ quang điện. Việc xây dựng lò hồ quang điện dự kiến sẽ mất khoảng 2 năm.
Các nhà sản xuất thép đang tăng tốc cuộc đua sản xuất thép xanh. Năm 2021, nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc Baowu, đứng thứ 2 toàn cầu về sản lượng, tuyên bố sẽ đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 và đạt mức giảm phát thải cao nhất vào năm 2023. Bộ Thông tin và Công nghệ Trung Quốc còn chuẩn bị sẵn một kế hoạch 5 năm cho tất cả các nhà máy thép trong nước - cùng chiếm hơn một nửa sản lượng thép của thế giới - để giảm lượng khí thải bằng cách chuyển sang lò hồ quang điện và tái chế nhiều phế liệu hơn.
Hãng Nippon Steel của Nhật Bản và Posco của Hàn Quốc, lần lượt đứng thứ 3 và thứ 5 thế giới - cũng đã cam kết tương tự. Tại châu Âu, ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, là nhà sản xuất thép đầu tiên cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Kế hoạch thép xanh trước mắt của công ty liên quan đến việc kết hợp một lượng nhỏ hydro với than trong lò cao, hoặc thay thế sinh khối gỗ cho than trong các quy trình sản xuất mà họ gọi là “carbon thông minh”.
Một nhà máy của công ty ở Hamburg, Đức, là cơ sở duy nhất ở châu Âu hiện có thể sản xuất thép mới với lò hồ quang điện. Đây là nơi đầu tiên làm mềm quặng sắt bằng khí đốt tự nhiên và trong tương lai có thể được thực hiện với hydro.
Tuy nhiên, cuộc đua sản xuất thép xanh không hề rẻ. Roland Junck, Chủ tịch của Liberty Steel của châu Âu và Anh, cho biết ước tính sẽ tốn 1.000 EUR mỗi tấn để chuyển đổi sang thép xanh. “Nếu sản xuất 1 triệu tấn thép, vốn đầu tư đã lên tới 1 tỷ EUR và đối với một công ty thép bình thường với sản lượng 10 triệu hoặc 15 triệu tấn sẽ phải có thêm ít nhất 10 tỷ EUR đầu tư”, ông R.Junck nói.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép châu Âu (Eurofer), trong số 160 triệu tấn thép thô được sản xuất tại Liên minh châu Âu năm 2019, có khoảng 40% sản xuất bằng lò hồ quang điện. Quy trình lò nung hiệu quả nhất tạo ra 1,9 tấn CO2 trên mỗi tấn thép, trong khi nấu chảy 100% phế liệu trong lò hồ quang điện chỉ tạo ra 0,4 tấn CO2 trên mỗi tấn thép và giảm xuống còn 0,1 tấn CO2 nếu điện không có carbon.