Tham vọng từ internet vệ tinh
Mặc dù lĩnh vực internet vệ tinh đã tồn tại trong nhiều năm qua, nhưng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ trở nên khắc nghiệt hơn trong thời gian tới khi nhiều công ty lên kế hoạch phóng hàng ngàn hệ thống vệ tinh của họ lên quỹ đạo Trái đất tầng thấp.
Động thái mới nhất trong lĩnh vực internet vệ tinh là Hãng Công nghệ Amazon của Mỹ ngày 5-4 đã thông báo về loạt thỏa thuận với các đối tác là Arianespace, Blue Origin và United Launch Alliance (ULA) nhằm triển khai kế hoạch phóng chùm vệ tinh trong dự án internet vệ tinh mang tên Kuiper trị giá 10 tỷ USD. Qua đó, hãng thương mại điện tử này có thể cung cấp băng tần rộng giá rẻ với tốc độ truy cập nhanh cho người dân trên toàn thế giới, kể cả hàng triệu khách hàng tại các cộng đồng chưa được tiếp cận internet.
Theo Amazon, đây là thỏa thuận hợp tác phóng vệ tinh internet lớn nhất nước Mỹ. Ngoài các vệ tinh, Amazon cũng dự định cung cấp các thiết bị đầu cuối với giá cả phải chăng, cũng như các thiết bị nhà thông minh Echo, máy đọc sách điện tử Kindle, hứa hẹn cung cấp dịch vụ với mức giá hợp lý và dễ tiếp cận, nhưng chưa đưa ra mức giá cụ thể.
Dự án Kuiper của Amazon là nhằm cạnh tranh với Starlink - hệ thống internet vệ tinh của SpaceX. Mới đây, công ty vũ trụ của tỷ phú Elon Musk đã phóng hơn 1.500 vệ tinh lên quỹ đạo để cung cấp dịch vụ của một số khách hàng ở Mỹ, Canada và châu Âu. SpaceX đã bắt tay với Microsoft, đối thủ lớn nhất của Amazon trong lĩnh vực điện toán đám mây, để sử dụng nền tảng Azure cung cấp dịch vụ internet vệ tinh.
Công ty OneWeb của Anh cũng đã phóng 428 trong số 648 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất tầng thấp. Trong khi đó, Trung Quốc có kế hoạch phóng khoảng 13.000 vệ tinh.
Công nghệ kỹ thuật số, dữ liệu và cơ sở hạ tầng là nền tảng, đang làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và học tập trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid-19, khi người dân phải ở nhà nhiều hơn và nhiều hoạt động khác chuyển sang hình thức trực tuyến. Tại Anh, tất cả mọi trường học ở nước này sẽ có quyền truy cập internet tốc độ cao vào năm 2025. Theo BBC, với kế hoạch này, Chính phủ Anh mới đây thông báo sẽ chi một quỹ trị giá 150 triệu bảng để giúp mang lại một bước tiến dài, đảm bảo rằng mọi trường học trên toàn quốc đều có công nghệ tốt nhất.
Tại châu Á, ngày 15-4, Philippines công bố kế hoạch cho phép SpaceX thực hiện dự án Starlink, trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sử dụng công nghệ này để cải thiện dịch vụ viễn thông.
Tương lai hứa hẹn của blockchain
Nhắc đến internet vệ tinh, giới chuyên gia dự báo “nhu cầu băng thông đã tăng vọt trên toàn thế giới, và chúng ta sẽ không bao giờ phóng đủ vệ tinh để đáp ứng nhu cầu”. Song song với cuộc đua internet, các nước trên thế giới cũng đang hối hả tiếp cận và làm chủ công nghệ blockchain sớm để tranh thủ lợi thế trong nhiều lĩnh vực.
Blockchain (chuỗi khối) là các khối dữ liệu được liên kết với nhau thành một chuỗi. Công nghệ blockchain là một mạng lưới ngang hàng và phi tập trung, tức là tất cả mọi người đều có thể tạo và xem dữ liệu, không ai có quyền quản lý. Trong tương lai, có thể ví công nghệ blockchain như việc phát minh ra mạng internet lần thứ hai. Công nghệ này sẽ phát triển với những nâng cấp mới, sẽ tham gia và trở thành lợi thế của các ngành tài chính, giáo dục, du lịch, giải trí, sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hàng giả, thông tin giả…
Trong thập niên qua, công nghệ blockchain đã trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi, đồng thời đã bắt đầu phá vỡ các thị trường truyền thống hiện có trên toàn thế giới. Các cơ hội mà blockchain mang lại đã được đầu tư, nghiên cứu, khám phá và xem xét, trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Theo công ty phân tích Cbinsights có trụ sở ở New York (Mỹ), trong năm 2021, tài trợ cho các công ty khởi nghiệp blockchain trên toàn cầu đã tăng 713% so với cùng kỳ năm trước, đạt 25,2 tỷ USD. Không thể phủ nhận, sự phổ biến của Bitcoin đã giúp chứng minh ứng dụng của blockchain trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, công nghệ này thời gian tới đây có thể làm thay đổi nhiều ngành công nghiệp hơn, vì các blockchain hoạt động thông qua một nền tảng phi tập trung, không yêu cầu giám sát trung tâm và có khả năng chống gian lận. Khi các công ty sử dụng blockchain để thúc đẩy tính minh bạch và trung thực hơn trên toàn hệ sinh thái thông tin kỹ thuật số, họ đang góp phần nâng cao nhận thức về công nghệ trong các lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng đến chính sách công.
Mới đây, Công ty Công nghệ Convergence.Tech của Canada thông báo sẽ mở rộng triển khai thí điểm sử dụng công nghệ blockchain chống thất thu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Australia từ cuối năm nay. Năm 2021, chính phủ Australia đã cấp khoản kinh phí 2,6 triệu AUD (gần 2 triệu USD) cho Convergence.Tech để triển khai dự án này nhằm xác định những lợi ích của công nghệ blockchain đối với nền kinh tế. Convergence.Tech đã chọn ngành công nghiệp đồ uống, lĩnh vực được xác định bị thất thu tới 582 triệu AUD thuế tiêu thụ đặc biệt mỗi năm, để tiến hành dự án trên.
Cùng với internet vệ tinh, blockchain đang phát triển mạnh mẽ và góp phần thay đổi thế giới. Và theo giới chuyên gia, tương lai của blockchain đã gần kề, ngân hàng chỉ là khởi đầu và ước tính có đến hơn 65 ngành công nghiệp lớn mà blockchain có thể giúp chuyển đổi, theo thống kê của Cbinsights. Từ dịch vụ tài chính, thực thi pháp luật đến du lịch, cơ sở hạ tầng, năng lượng…đến những sản phẩm và dịch vụ chưa từng nhắc đến trước đây như bầu cử, theo dõi súng đạn, dịch vụ thừa kế, gọi xe, cho thuê ô tô...