Tín hiệu tích cực
Theo New York Times, Johnson & Johnson (J&J) khẳng định vaccine Covid-19 một liều duy nhất của hãng dược này có hiệu quả cao, không chỉ chống lại các biến chủng phổ biến của virus SARS-CoV-2 mà còn chống được biến chủng Delta - đang được coi là nguy hiểm và có tốc độ lây lan nhanh nhất hiện nay. Vaccine J&J vô hiệu hóa biến chủng Delta trong vòng 29 ngày của liều đầu tiên.
Hiệu quả bảo vệ lớn dần và cải thiện theo thời gian. Nghiên cứu cho thấy phản ứng miễn dịch mà vaccine J&J tạo ra có thể kéo dài ít nhất 8 tháng, với hiệu quả ngăn chặn nguy cơ tử vong và nhập viện do mắc Covid-19 tới 85%.
Công bố này được cho là khá bất ngờ bởi trước đó, vaccine J&J từng được đánh giá có mức hiệu quả bảo vệ thấp hơn trước so với vaccine mRNA từ Pfizer và Moderna. Hai hãng dược này đều cho biết 2 liều vaccine mRNA sinh được kháng thể chống lại các biến chủng Delta, Beta và Eta - lần lượt được phát hiện ở Ấn Độ, Nam Phi và Nigeria.
Theo Moderna, kết quả dựa trên phân tích mẫu huyết thanh của tình nguyện viên trong phòng thí nghiệm một tuần sau khi họ tiêm liều vaccine Covid-19. Tuy nhiên, dữ liệu của Moderna hiện chưa được đánh giá đầy đủ. Hãng dược AstraZeneca cũng đưa ra thông báo tương tự về mức hiệu quả chống lại biến chủng Delta.
Ngoài các dòng vaccine do Mỹ và châu Âu phát triển, một dòng vaccine châu Á do Bharat Biotech (Ấn Độ) tự nghiên cứu là Covaxin đang cho kết quả thử nghiệm tích cực. Dòng vaccine nội địa đầu tiên ở quốc gia này cho hiệu quả lên đến 65,2% đối với biến chủng Delta. Công bố kết quả phân tích cuối cùng về quá trình thử nghiệm hiệu quả giai đoạn 3 được thực hiện trên 25.800 người.
Ông Krishna Ella, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Bharat Biotech, khẳng định, Covaxin được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các chuỗi phân phối toàn cầu. Theo đó, vaccine có thể được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ 2-8oC, giảm tỷ lệ lãng phí vaccine sau khi mở nắp, giúp tiết kiệm chi phí cho bên mua.
Phân phối chưa đồng đều
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dù hiện nay việc chia sẻ vaccine đã có nhưng vẫn chỉ là “dòng chảy nhỏ giọt” ở các nước đang phát triển và nước nghèo. Những nước này có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, trong khi số ca mắc và tử vong do Covid-19 ngày một gia tăng.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết ở những nước có thu nhập cao nhất, cứ 100 dân thì có 76 liều vaccine được sử dụng. Trong khi đó, ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, tỷ lệ này là 1 liều/100 dân. Tại châu Phi, 51 quốc gia mua được khoảng 61,4 triệu liều vaccine, trong đó khoảng 48,6 triệu liều đã được tiêm cho người dân. Tuy nhiên, số ca mắc đã vượt tỷ lệ người dân được tiêm.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbean còn thấp, chỉ khoảng 10% trong tổng số 600 triệu người dân ở khu vực được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Khan hiếm vaccine cũng là bài toán ở châu Á, nhất là các quốc gia Đông Nam Á đang đối phó với làn sóng dịch tăng mạnh do biến chủng Delta.
Thực tế cho thấy hơn 50% các quốc gia nghèo nhận vaccine Covid-19 thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX không được cung cấp đủ số liều vaccine để duy trì chương trình tiêm chủng. COVAX đang thiếu khoảng 200 triệu liều vaccine so với mục tiêu ban đầu là cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo trong năm 2021.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hơn 75% tổng lượng vaccine Covid-19 toàn cầu chỉ dồn vào nhóm 10 quốc gia phát triển. Israel đang ở vị trí dẫn đầu với tỷ lệ 59,7% công dân đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Sau đó là Canada (59% dân số đã tiêm ít nhất 1 liều), kế tiếp là Anh (58,3%) và Mỹ (51%).