Cạnh tranh gay gắt
Dẫn đầu thị trường sản xuất pin EV trên thế giới hiện nay là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường SNE của Hàn Quốc, trong 8 tháng đầu năm nay, 3 nhà sản xuất pin EV của nước này có sản lượng chiếm khoảng 1/3 thị trường toàn cầu, nhưng họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ở Đông Bắc Á.
Theo dữ liệu từ SNE, bộ ba LG Energy Solution, Samsung SDI và SK Innovation có sản lượng chiếm 34,8% thị trường pin EV toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 8-2021. Trong số này, LG Energy Solution, công ty cung cấp pin EV cho Tesla, Volkswagen và Ford, giữ vị trí thứ 2 (24,5% thị phần), đứng sau Công ty Sản xuất pin CATL của Trung Quốc (30,3%). Panasonic của Nhật Bản xếp thứ 3 (11,1%), trên BYD của Trung Quốc (10%). Thống kê này cho thấy các nhà sản xuất Hàn Quốc đang gặp cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp Trung Quốc.
Ngoài vị thế của nước có sản lượng EV dẫn đầu thế giới, Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn thị phần sản xuất pin EV toàn cầu. CATL chính là nhà cung cấp pin cho Tesla và nhiều hãng EV khác. Nhờ lực đẩy của thị trường trong nước, CATL trở thành công ty sản xuất pin EV quy mô số một thế giới. Ngoài hợp tác với Tesla, CATL đã gia nhập thị trường châu Âu, trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho Hà Lan, Italy, Đức. Do vậy, Chính phủ Hàn Quốc buộc phải tính đến kế hoạch đầu tư 40.600 tỷ won (khoảng 35 tỷ USD) vào ngành sản xuất pin EV trong thời gian tới nhằm duy trì vị thế của Hàn Quốc.
Tuy đang xếp sau Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản lại chọn hướng phát triển các tế bào pin thể rắn. Hầu hết các loại EV đều sử dụng pin lithium-ion, có giá phải chăng hơn trong những năm qua, nhưng loại pin này có những hạn chế, như nguy cơ dễ bắt lửa, rò rỉ hóa chất, dễ gây cháy nổ xe. Đầu tháng 9, hãng Toyota cho biết họ cần thêm thời gian để phát triển công nghệ pin thể rắn. Hiện tại, hãng sử dụng pin thể rắn loại nhỏ cho các loại xe chạy bằng động cơ hybrid (lai xăng - điện).
Ở Đông Nam Á, Indonesia đang có kế hoạch tăng tốc cho cuộc chạy đua giành thị phần pin EV toàn cầu. Đầu tháng 9 năm nay, nhà máy sản xuất pin EV với tổng trị giá đầu tư 1,1 tỷ USD đã được Indonesia khởi công. Với trữ lượng nikel lớn nhất thế giới, Chính phủ Indonesia tin rằng trong 3-4 năm tới, thông qua việc quản lý tốt, Indonesia có thể trở thành nhà sản xuất lớn của các thành phẩm làm từ nikel, trong đó có pin EV. Sự phát triển của ngành công nghiệp pin EV sẽ làm tăng sức hấp dẫn của Indonesia, khi quốc gia này trở thành điểm đến đầu tư cho các ngành công nghiệp sử dụng pin như động cơ điện và xe buýt điện.
Tăng tốc phát triển
Trước tốc độ phát triển nhanh của thị trường sản xuất pin EV tại châu Á, châu Âu đã có những bước đi mới trong kế hoạch phát triển pin EV. Ủy ban châu Âu (EC) thông báo kế hoạch cấm bán ô tô mới có động cơ chạy xăng và dầu vào năm 2035. Đây được coi là khung thời gian để châu Âu dần chuyển đổi sang sử dụng EV hoàn toàn. Nhiều nhà sản xuất đã công bố kế hoạch chuyển hướng sang EV. Các số liệu cho thấy tại châu Âu, thị phần của EV đã tăng gấp đôi trong quý 2-2021. Trong quá trình ngành công nghiệp ô tô châu Âu chuyển đổi sang EV, nhu cầu pin sẽ rất lớn. Tăng cường sản lượng pin EV của khu vực không chỉ là một vấn đề an ninh mà còn góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và tạo thêm việc làm ở châu Âu.
Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic nhận định, các nhà máy sản xuất pin sẽ đưa Liên minh châu Âu (EU) đi đúng hướng nhằm đạt được quyền tự chủ chiến lược mở trong lĩnh vực quan trọng này. Ở Đức, Volkswagen đang lên kế hoạch xây dựng 5 nhà máy sản xuất pin, trong khi Daimler cho biết sẽ xây dựng 8 nhà máy sản xuất pin trên thế giới dành cho các dòng xe Mercedes-Benz và Smart của hãng. Northvolt (Thụy Điển) đang xây dựng một nhà máy pin có công suất tổng cộng 150GWh từ nay đến năm 2030. Trong khi đó, Tesla (Mỹ) dự kiến khánh thành “siêu nhà máy” đầu tiên ở châu Âu vào cuối năm nay, nơi sản xuất cả pin và động cơ EV của hãng. Tuy nhiên, Olivier Montique, nhà phân tích về ô tô của Công ty Nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, cho rằng các kế hoạch trên vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu pin EV của khu vực. Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất EV châu Âu vẫn đang hợp tác với các nhà sản xuất pin châu Á.
Bên cạnh đó, lithium là nguyên liệu vô cùng quan trọng trong sản xuất pin. Châu Âu có một số nguồn cung cấp lithium trong khu vực, nhất là ở Czech và Đức, nhưng nhiều khả năng khu vực này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo các chuyên gia, châu Âu có thể tìm kiếm thỏa thuận với các thị trường có nguồn cung lithium dồi dào để giảm nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu quan trọng này.
Theo tổ chức phi chính phủ Transport & Environment, khoảng 40 tỷ EUR (47 tỷ USD) dự kiến sẽ được đầu tư vào 38 nhà máy ở châu Âu, để có thể sản xuất 1.000GWh pin mỗi năm. Với công suất trung bình của pin là 60KWh, con số trên đủ cung cấp năng lượng cho 16,7 triệu phương tiện. |